Trong tỉnh

Lùm xùm bổ nhiệm ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, Giám đốc Sở Y tế: ‘Quy trình bổ nhiệm sai ngay từ đầu’

Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa tái khẳng định, việc bổ nhiệm cán bộ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa qua là không đúng quy trình.

Liên quan những lùm xùm về chuyện bổ nhiệm nhân sự ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trả lời PV VTC News, ông Trịnh Hữu Hùng (Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa) tái khẳng định việc bổ nhiệm này là “không đúng quy trình” và “sai ngay từ đầu”.

- Dư luận cho rằng, việc bổ nhiệm nhân sự vừa qua ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa là không đúng quy định vì nhân sự được bổ nhiệm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, song Giám đốc Bệnh viện vẫn quyết định bổ nhiệm. Ý kiến của Sở Y tế Thanh Hóa về vấn đề này thế nào?

Tôi hiện cũng nắm được đầy đủ thông tin về vụ việc, cả kênh báo chí phản ánh cũng như trong báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa gửi lên Sở.

Cụ thể là về trường hợp hai ông Lê Duy Nam (SN 1974) từ Phó trưởng Khoa Dược lên làm Trưởng Khoa Dược và ông Nguyễn Văn Thắng làm Trưởng phòng Tài chính – Kế toán bệnh viện.

Điều khiến dư luận quan tâm là hai ông này chỉ có bằng đại học tại chức mà không có bằng đại học chính quy theo như tiêu chuẩn Quyết định 2235 do UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 28/6/2017.

Ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: "Quy hoạch nguồn không đúng, quy trình bổ nhiệm sai ngay từ đầu".


Ở đây, vấn đề khá phực tạp. Phức tạp vì ngay cả văn bản khi ban hành đã thiếu sự rõ ràng và nhất quán. Sự thiếu nhất quán thể hiện ở cả văn bản của UBND tỉnh lẫn Sở Y tế. Chính sự thiếu nhất quán này dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai, hiểu chưa đúng và tất nhiên cũng dẫn đến cách làm không được đúng cho lắm.

Trước hết, ngay cả Quyết định 2235 do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành ngày 28/6/2017 cũng có những điều khoản thiếu rõ ràng và nhất quán, dẫn đến hiểu sai và hiểu theo nhiều cách khác nhau, mà ngay chính tôi cũng khó hiểu.

Cụ thể, khi nhận thấy việc bổ nhiệm nhân sự ở Bệnh viện đa khoa chưa đúng, Sở Y tế có ý kiến thì UBND tỉnh giải thích là việc bổ nhiệm này đúng quy trình, không sai.

Vì Khoản a, Điều 5 của Quyết định 2235 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định về trình độ nhân sự được bổ nhiệm như sau: “Chuyên môn: Tốt nghiệp Đại học trở lên, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao phụ trách. Công chức, viên chức bổ nhiệm lần đầu, nếu tuổi đời dưới 45 tuổi, nói chung phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy (kể cả nhũng người đã tốt nghiệp sau đại học). Đối với những người đang công tác ở các huyện miền núi là người dân tộc thiểu số hoặc đã công tác 5 năm trở lên và cam kết tiếp tục công tác tại các huyện miền núi 5 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm thì chỉ yêu cầu tốt nghiệp đại học”.

UBND tỉnh Thanh Hóa giải thích là về trình độ nhân sự bổ nhiệm ở đây có sự “mở”, cụ thể là tỉnh dùng từ “nói chung”, nghĩa là ngoài “nói chung” thì vẫn có những trường hợp riêng.

Giải thích như thế thì Sở Y tế cũng chịu, phải chấp hành thôi.

- Như ông nói ở trên, Quyết định 2235 của UBND tỉnh Thanh Hóa có sự “mập mờ” gây khó hiểu. Vậy, chuyện bổ nhiệm nhân sự ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa căn cứ theo quyết định này theo ông là đúng hay sai?

Ở đây, tôi không muốn bình luận gì nhiều vì cái gốc của vấn đề ai cũng thấy rất rõ rồi. Trong chuyện bổ nhiệm nhân sự ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thì tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: Đó là quy hoạch nguồn ngay từ đầu đã không đúng, quy trình bổ nhiệm sai ngay từ đầu thì các bước tiếp theo làm gì đúng nữa.

- Được biết, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm nhân sự, Sở Y tế cũng có văn bản về việc này, tại sao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vẫn phớt lờ?

Sở Y tế cũng ra văn bản về việc này, cụ thể là Công văn 2157/SYT-TCCB ra ngày 29/9/2017. Trong công văn này, Sở Y tế nói rõ là những trường hợp đặc biệt thì đề nghị các đơn vị phải báo cáo. Tuy nhiên, văn bản của Sở Y tế dùng từ “đặc biệt” song lại không cụ thể hóa những trường hợp đặc biệt là trường hợp nào nên phía bệnh viện họ cho rằng như thế là khó hiểu.

Còn văn bản chỉ đạo sau này của Sở Y tế thì có sự viện dẫn Quyết định 378 của Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa, nói rõ chức danh Trưởng phòng tài chính kế toán mà bệnh viện lập quy hoạch trước đó, là không đúng quy định. Cụ thể, bệnh viện chỉ lập quy hoạch một người cho một vị trí, như thế là không đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh là phải lập quy hoạch từ 2 – 4 người.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - nơi xảy ra những lùm xùm liên quan đến chuyện bổ nhiệm nhân sự sai quy trình.

Giải thích về điều này thì đại diện Bệnh viện đa khoa cho biết, trước đó quy hoạch nhân sự có 2 người, song đến lúc chốt danh sách họ lại đánh máy nhầm, dẫn đến quên tên người này.

Nhưng như tôi đã nói ở trước đó, quy hoạch của Bệnh viện là chưa đúng, đó là quy hoạch động và liên thông, song bệnh viện đã bỏ qua khâu này.

- Vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cũng có ra một văn bản có tính chất tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa về việc bổ nhiệm này và cho rằng việc bổ nhiệm là đúng quy trình. Ý kiến của ông thế nào?

UBND tỉnh có chỉ đạo Sở Nội vụ về vấn đề này. Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản và mới đây thì UBND tỉnh đã ra quyết định bổ nhiệm.

Nhưng như tôi đã nói ở trước đó, quy hoạch của bệnh viện là chưa đúng, đó là quy hoạch động và liên thông, song bệnh viện đã bỏ qua khâu này.

Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Trịnh Hữu Hùng

Trong văn bản của Sở Nội vụ cũng có giải thích về những quy định trong văn bản 2235 của tỉnh, cho rằng có từ “nói chung” thì sẽ có những trường hợp thuộc diện “nói riêng”, nghĩa là bổ nhiệm vẫn đúng.

Theo tôi là do cách hiểu văn bản và thời điểm làm quy trình cho chức danh này là thời điểm chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Vì thế chấp nhận vẫn có thể chấp nhận được. Đó là lỗi ở trên. Cấp trên chẳng có văn bản cụ thể gì thì cấp dưới họ không biết căn cứ vào đâu thì cứ thế họ làm thôi. Kiểu tiền trảm hậu tấu, làm trước rồi báo cáo sau. Đúng, sai thế nào thì sau đó cấp trên lại mới xem xét để điều chỉnh, bổ sung.

- Tại sao trước khi ban hành văn bản, cả phía UBND và Sở Y tế không để Sở Tư pháp thẩm định về tính pháp quy?

Sở Tư pháp chẳng bao giờ mất thời gian để đi thẩm định những văn bản này cả. Vì thẩm định thì mỗi Sở ngành mỗi ngày ra đến hàng chục văn bản thì Sở Tư pháp không đủ sức để mà thẩm định được. Cái này chỉ mang tính chất hỏi ý kiến chuyên gia như chuyên gia về luật thôi.

Còn về việc Sở Nội vụ cho rằng Sở Y tế chậm trễ khi ban hành văn bản cụ thể hóa Quyết định 2235 của UBND tỉnh thì tôi xin giải thích thế này: Hiện nay, tôi được biết là chưa có Sở nào của tỉnh Thanh Hóa có văn bản hướng dẫn cụ thể cả chứ không riêng gì Sở Y tế.

Khoản 3 Điều 18 của Quyết định 2235 của UBND tỉnh là giao cho các Sở ra văn bản hướng dẫn cụ thể, vận dụng quyết định này để hướng dẫn cho Sở mình. Nhưng chả có Sở nào hướng dẫn cả.

Trong ngành Y tế, tôi muốn củng cố chất lượng ngành y tế cho tốt lên thì tôi mới ra Văn bản 2157 và sau buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa ngày 7/11, Bệnh viện đưa ra ý kiến là Sở phải ra văn bản rõ ràng dễ hiểu, thì lúc đó Sở có ra văn bản 2530 để hướng dẫn cụ thể.

Sau buổi làm việc tại Bệnh viện, các thành viên yêu cầu phải có văn bản hướng dẫn cụ thể chứ không thể chung chung được.

Văn bản hướng dẫn của Sở rơi vào thời điểm bệnh viện đã làm quy trình rồi. Nghĩa là do cách hiểu văn bản. Ra văn bản như thế thì mỗi bên hiểu mỗi cách.

Văn bản pháp quy là phải rõ ràng, không được đa nghĩa, đa cách hiểu. “Nói chung” sẽ có “nói riêng”, từ “đặc biệt” cũng không dễ hiểu. Văn bản “đặc biệt” là như thế nào, phải nói rõ, tránh hiểu sai. Đây là thiếu sót của các phía.

Còn vấn đề quy hoạch và bổ nhiệm thì tôi vẫn cho rằng quy hoạch nguồn không đúng, quy trình bổ nhiệm sai ngay từ đầu rồi.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: H.SƠN

Nguồn tin: Báo VTC NEWS

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok