Trong tỉnh

Lũ quyét đi qua, gỗ rừng tràn về ngổn ngang sông, suối

Tại huyện miền núi Lang Chánh và Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa, nhiều khối gỗ từ trong rừng trôi ra sau trận lũ lịch sử. Trong khi người dân nơi đây đang đổ xô đi vớt gỗ thì cơ quan quản lý lại tỏ ra không hiểu vì sao gỗ lại nhiều như vậy.

Là những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, sau đợt mưa lũ lớn, tại các sông, suối huyện Lang Chánh, Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã lộ thiên hàng trăm khối gỗ. Những cây gỗ lớn, bé từ trong khu rừng già được lũ cuốn ra và nổi đầy trên các bãi bồi ven các con sông, suối.

Người dân đổ xô ra các con sông, suối để cưa, sẻ vác gỗ sau lũ.

Khảo sát tại huyện Lang Chánh, dọc bên bờ sông Âm ngược lên xã Yên Khương (huyện Lang Chánh), men theo con đường biên giới, đâu đâu PV cũng thấy những cây gỗ lớn dạt lại trên các con sông, suối. Người dân đổ xô đi vớt, không kể già trẻ, gái hay trai.

Một người dân bản địa cho biết: “Lộc trời cho nhưng khi chúng tôi vớt lên thì các cán bộ đã đến kiểm tra rồi đấy, họ bảo có lấy dùng cũng phải làm thủ tục với cán bộ, chứ bán ra ngoài là không được”.

Tiếp tục đi theo con suối Hạ từ huyện Lang Chánh sang phía huyện Quan Sơn, PV cũng được chứng kiến những cảnh tượng tương tự. Người dân từ già trẻ, gái, trai đang vớt gỗ từ lòng sông suối lên để xẻ ra thành những thanh gỗ nhỏ cho dễ vận chuyển.

Trước hiện trạng trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa tỏ ra bất ngờ và không hiểu lý do gỗ ở đâu lại trôi ra nhiều như vậy.

Sau một hồi bất ngờ, ông Vĩnh lại phủ nhận:“Có lẽ gỗ trước đó do mở rộng tuyến đường vành đai biên giới nên khi làm đường các công nhân đã ủi những cây lớn đó xuống rồi lấp đất, đá lên làm đường. Do cây lớn quá không thể đưa ra khỏi rừng được nên khi gặp lũ to đã cuốn theo những cây lớn này ra”.

Một trong số hàng chục cây gỗ lớn tại bản Hằng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh.

Khi PV hỏi với những số gỗ lớn trôi từ trong rừng ra, dân bản địa tiến hành trục vớt, xẻ ra và đưa về dùng như vậy thì lực lượng kiểm lâm địa phương sẽ xử lý thế nào?

Ông Vĩnh cho hay: “Theo luật khi ai vớt được gỗ từ đâu trôi về thì phải đợi 1 tháng. Nếu không có người nhận là chủ nhân thì số gỗ đó được giao lại cho chính quyền địa phương làm các thủ tục pháp lý cho người vớt được số gỗ đó sử dụng theo sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm. Nếu muốn bán gỗ thì phải đợi lực lượng kiểm lâm tiến hành làm các thủ tục pháp lý để gỗ thành hàng hợp pháp, tránh việc người dân lợi dụng vào mưa lũ để vào rừng khai thác gỗ trái phép rồi nói đó là gỗ trục vớt được”.

PV tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Đức Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn. Ông Hiệp cho biết: “Đối với số gỗ do dân với (vớt) được sau lũ, chúng tôi sẽ thống kê và hướng dẫn làm thủ tục pháp lý để dân sử dụng tại chỗ. Nếu dân bán thì chúng tôi cũng phải làm thủ tục hợp pháp cho dân trên cơ sở luật pháp quy định, tránh việc lợi dụng vào rừng khai thác thêm rồi nói đó là gỗ trục vớt”.

Khẳng định với PV, ông Lê Quốc Việt, Chi Cục phó chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa nói: “Sau khi xảy ra trận lũ, phía đơn vị đã nắm được sự việc”.

“Hiện, chúng tôi đã có văn bản số 484/CCKL-TTrPC yêu cầu các hạt Kiểm lâm các huyện kiểm kê, lập biên bản kiểm kê, có số liệu chính xác báo cáo lại Chi cục để có hướng xử lý, nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác mới gỗ rừng tự nhiên trà trộn vào gỗ trục vớt để mua bán vận chuyển tiêu thụ. Mọi trường hợp vi phạm đều phải lập biên bản, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Việt thông tin.

Tác giả: Phong Trần

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok