Cuộc sống

Lợi và hại các loại nước mát uống giải nhiệt

Rễ cỏ tranh có tính hàn, phụ nữ mang thai không nên dùng; nếu uống lượng lớn nước lá dứa hằng ngày có thể gây hạ đường huyết.

Thời tiết nắng nóng, nhiều loại cây cỏ, thảo mộc được tận dụng để tạo ra nước uống bổ dưỡng cho sức khỏe. Phổ biến trong dân gian là nước uống mát giải nhiệt. Nồi nước mát thường gồm những nguyên liệu tươi với 3 khúc mía lau, một ít rễ cỏ tranh, cây ngò già có hạt (cây mùi), lá dứa thơm, râu bắp, mã đề, bọ mắm (thuốc dòi), cây lẻ bạn, đường phèn, một ít muối.

Các loại cây lá trên được ngâm nước, rửa cho sạch đất, cuốn lại thành bó hoặc có thể cắt khúc. Mía lau đập dập. Tất cả cho vào nồi, cho nước, một chút muối, đường phèn và nấu chung với nhau. Đun lửa lớn đến khi sôi thì đun lửa nhỏ trong 20-30 phút. Sau đó lọc bỏ xác, lấy nước dùng uống trong ngày hoặc 1-2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Những loại thảo mộc khi kết hợp nấu thành thức uống có công dụng tiêu trừ cảm giác bứt rứt trong người, miệng khô, ra mồ hôi trộm, giúp cơ thể tăng lọc, đưa các chất cặn bã có hại ra ngoài, làm mát, lợi tiểu… Những công dụng ấy trong Đông y gọi là thanh nhiệt. Tuy nhiên vì là thuốc nam dân gian, nhiều người chưa hiểu được tác dụng của từng loại cây thuốc nên chế biến theo kinh nghiệm, sở thích dẫn đến tác dụng và hiệu quả không cao.

Cây thuốc dòi (thường gọi bọ mắm)

Là loại cỏ thân mềm, thân cây có lông, lá mọc so le, có khi mọc đối, có lá kèm hình mác, hẹp, hai mặt đều có lông, nhất là ở mặt dưới. Lá dài 4-9 cm, rộng 1,5- 2,5 cm, lá có 3 gân xuất phát từ cuống. Toàn bộ cây, lá đều có thể dùng làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, cây thuốc dòi có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng chỉ khái, tiêu đờm, dùng chữa ho lâu ngày, ho do viêm họng, viêm thanh phế quản, ho khan, tiêu viêm, thông tiểu, thông sữa… Theo Đông y, liều dùng trung bình cho mỗi ngày từ 10 đến 20 g, sắc uống. Lưu ý, loại thuốc này còn được dùng như thuốc điều kinh, dễ gây sảy thai. Vì vậy phụ nữ có thai không nên uống nhiều.

Cây thuốc dòi. Ảnh: yhvn.


Cây lẻ bạn lá lớn (còn gọi cây hoa sò huyết, bạng hoa)

Đây là loại cây thảo, sống nhiều năm, thân cao 30-45 cm, đường kính 2,5-5 cm, phủ bởi bẹ lá, không phân nhánh. Lá dài 18-28 cm, rộng 3-5 cm, không cuống, có bẹ. Mặt trên lá màu lục, mặt dưới có màu tía. Cụm hoa hình tán dựng trong 2 cái mo úp vào nhau, trông như con sò. Thường dùng hoa hoặc lá làm thuốc, dùng tươi hay phơi khô đều được.

Cây lẻ bạn lá lớn có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.

Rễ tranh (cỏ tranh)

Loại cỏ này sống dai, thân, rễ chắc, khỏe. Rễ cỏ tranh mặt ngoài màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc, nhiều đốt mang các lá vẩy và rễ con. Khi làm thuốc, đào lấy thân rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ.

Rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị, bàng quang, có công năng thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu, thanh phế nhiệt, chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu... Lưu ý vì cây có tính hàn nên người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng.

Cây mía lau

Mía lau vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, chỉ khát, tiêu đàm, trừ phiền, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Mía lau trị hôi miệng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, tân dịch bất túc, táo bón. Lưu ý, ho do phong hàn (ho kèm đờm màu trắng) thì không nên dùng. Nếu mía mốc, có mùi rượu là mía đã bị axit hóa, nếu ăn vào có thể bị ngộ độc.

Mã đề

Dân gian thường dùng lá mã đề làm rau ăn và thân làm thuốc. Mã đề có vị ngọt, tính lạnh đi vào các kinh, can, thận và bàng quang. Tác dụng chữa tiểu rắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lỵ, nhức mắt, đau mắt đỏ nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu, dùng ngoài đắp làm mụn nhọt chóng vỡ mủ, mau lên da non…

Uống nước sắc mã đề giúp lượng nước tiểu tăng, trong nước tiểu lượng ure, axit uric và muối đều tăng. Nước sắc mã đề có tác dụng trừ đờm, tác dụng này kéo dài 6-7 giờ, mạnh nhất sau khi uống 3-6 giờ. Mã đề còn có tác dụng ức chế đối với một số vi trùng bệnh ngoài da.

Râu bắp

Loại có sợi dài, dai, màu nâu hung, vị ngọt, khô mà mềm được coi là loại tốt cho sức khỏe. Râu bắp có vị ngọt, tính bình. Quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết. Có thể dùng râu bắp tươi và khô đều được.

Râu bắp có chứa nhiều vitamin, các chất đắng, dầu béo, vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác nên khi uống có cảm giác ngọt, ngậy và mát. Uống nước râu bắp hàng ngày có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột dễ dàng, ngoài ra còn làm hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông. Sử dụng thường xuyên nước luộc râu bắp cho người sỏi thận hay sỏi bàng quang, niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.

Cây lá dứa

Còn gọi dứa thơm, cây lá nếp, là cây bụi, có thể cao 1 m, đường kính thân 1-3 cm, phân nhánh. Lá hình mũi mác, nhẵn, xếp thành hình máng, dài 40-50 cm, rộng 3-4 cm, mép không gai, mặt dưới có màu nhạt, có nhiều gân cách nhau một mm, mùi thơm như mùi cơm nếp, để khô càng thơm hơn. Chưa thấy loại cây này ra hoa.

Dân gian thường dùng lá dứa làm chất thơm, chất tạo màu cho thực phẩm như nấu bánh chưng, làm kẹo bánh, làm mứt dừa, rau câu… hay dùng lá dứa cắt khúc, nấu trà uống cho thơm. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá dứa có khả năng ức chế tế bào ung thư vú. Lưu ý, dùng lượng lớn lá dứa hằng ngày có thể gây hạ đường huyết.

Cây ngò

Thuộc họ hoa tán, lá và hạt được sử dụng làm gia vị cũng như làm thuốc ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tinh dầu hạt là chất lỏng không màu hoặc vàng nhạt, vị cay, có mùi thơm đặc biệt. Hạt mùi già có tác dụng kháng khuẩn rất tốt. Dầu cây mùi đã được chứng minh là có khả năng kháng khuẩn. Ứng dụng đặc tính này của cây mùi trong ngành công nghiệp thực phẩm và y học có thể kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, ngăn ngừa bệnh lây qua đường thực phẩm và thậm chí trong điều trị bệnh nhiễm trùng.

Rau mùi già. Ảnh: yhvn.


Lưu ý khi uống nước mát

Không nên lạm dụng nước mát này khi cơ thể đang mắc một số bệnh mãn tính. Do ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược dùng trong các loại nước mát có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng này một mặt hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, làm người dùng thoải mái nhưng mặt khác có thể có khả năng tương tác với một số tân dược làm giảm tác dụng của thuốc chính. Hơn nữa dùng nhiều hoặc dùng lâu dài thuốc có chất lợi tiểu có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như Ca, K…

Nếu thể chất người bệnh thuộc hàn mà thường xuyên dùng các loại thảo dược thanh nhiệt sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tiêu chảy, mất tân dịch, chân âm hao tổn… Để có sức khỏe, cần giữ được cân bằng âm dương, hàn nhiệt, nếu mất cân bằng sẽ gây nên bệnh tật cho cơ thể. Dùng lâu một loại thuốc, kể cả thực phẩm, dù là bổ ích cũng có ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.

Những người có bệnh huyết áp, tiểu đường, thận, bệnh lao phổi... hoặc phụ nữ đang có thai, nếu dùng hàng ngày, liên tục, phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Tác giả bài viết: Bác sĩ Nguyễn Phạm Hà Mi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok