Kinh tế

Lợi nhuận “ông lớn xăng dầu” Petrolimex giảm gần 1.200 tỷ đồng

Mặc dù doanh thu tăng song do vốn bán hàng tăng, lãi từ các công ty liên doanh liên kết giảm… lợi nhuận trước thuế của PLX chỉ đạt 4.877 tỷ đồng, giảm 1.423 tỷ đồng (giảm 23%) so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.984 tỷ đồng, giảm 1.164 tỷ đồng (giảm 23%) so với năm 2016.

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (Mã CK: PLX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017.

Báo cáo cho thấy, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý của PLX là 43.224 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.

Do giá vốn hàng bán tăng tới hơn 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt mức 40.160 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 92% doanh thu) khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 3.063 tỷ đồng, giảm 32% so với con số đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong quý 4, chi phí bán hàng của PLX giảm tới 657 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, phần lãi từ các công ty liên doanh, liên kết giảm cũng giảm 71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh PLX trong quý đạt 1.229 tỷ đồng, giảm 42%.

Sau khi trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex có được là 1.078 tỷ đồng, giảm 738 tỷ đồng (tương đương 40%) so với cùng kỳ năm trước đó.

Tính chung cả năm 2017, doanh thu hợp nhất PLX đạt 155.690 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2016. Mặc dù doanh thu tăng song do vốn bán hàng tăng, lãi từ các công ty liên doanh liên kết giảm… lợi nhuận trước thuế của PLX chỉ đạt 4.877 tỷ đồng, giảm 1.423 tỷ đồng (giảm 23%) so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.984 tỷ đồng, giảm 1.164 tỷ đồng (giảm 23%) so với năm 2016.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2017, Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 143,208 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 4,680 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy mặc dù có những biến động không nhỏ trong kết quả kinh doanh năm 2017 nhưng Petrolimex vẫn hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/2, giá cổ phiếu PLX ở mức 88.600 đồng. Nguồn: Ezsearch

Trước đó, năm 2015 và 2016, Petrolimex đã có kết quả kinh doanh rất tốt. Năm 2015, tổng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đã có sự tăng mạnh, đạt tới 3.766 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với con số 321 tỷ đồng trong năm 2014. Trong tổng mức lợi nhuận trên, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn Tập đoàn là 1.989 tỷ đồng.

Sang năm 2016, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex cao kỷ lục, đạt 6.300 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận trước thuế của hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn Petrolimex là 3.848 tỷ đồng.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết luận cho thấy do áp dụng thuế bình quân gia quyền trong cách công thức tính giá cơ sở mà 10 thương nhân đầu mối (trong đó có Petrolimex) đã hưởng lợi 3.300 tỷ đồng trong năm 2015 và khoảng 1.400 tỷ đồng trong năm 2016.

Qua kiểm toán sổ sách thực tế, doanh nghiệp đầu mối được hưởng thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN (ATIGA) sẽ được lợi 5%-25% đối với dầu DO năm 2015; 0,6%-10% đối với dầu DO năm 2016, cao hơn 5,74%-10% đối với xăng.

Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành khiến doanh nghiệp tăng thêm lợi, trong đó thặng dư cao nhất tại Petrolimex với gần 3.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, việc áp dụng thuế bình quân gia quyền được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok