Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec).
Đáng lưu ý, Kiểm toán chỉ ra rằng, năm 2015, kết quả hoạt động kinh doanh lãi lớn chủ yếu do chênh lệch thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất ATIGA) với mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) trong giá cơ sở của đơn vị với giá cơ sở theo liên Bộ Tài chính - Công Thương thông báo làm giá cơ sở quy định bán lẻ, dẫn đến giá cơ sở của đơn vị thấp hơn giá cơ sở do Liên Bộ ban hành.
Theo tính toán, số chênh lệch thuế nhập khẩu theo thuế suất ATIGA với MFN của lượng hàng nhập trong năm 2015 là 181,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản lợi nhuận tăng còn do lượng hàng bán cho các đơn vị quốc phòng có mức chiết khấu thấp hơn so với mức chiết khấu bán hàng cho khách hàng thông thường và do kinh phí kinh doanh bình quân định mức trong xây dựng giá cơ sở năm 2015 tăng từ 600 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít với xăng và từ 600 đồng/lít lên 950 đồng/lít với dầu.
“Doanh nghiệp cũng đã xác định được tính kinh tế, tính hiệu quả khi lựa chọn nguồn hàng cung cấp từ nước ngoài so với nguồn hàng cung cấp từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất”, báo cáo nêu.
Cụ thể, năm 2015, đối với xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN, từ tháng 4/2015, Tổng công ty mới nhập được nguồn hàng dầu DO đủ điều kiện áp thuế theo thuế suất ưu đãi 5%; trong khi thuế áp khi nhập từ Dung Quất là 20% (áp dụng từ tháng 4-6/2015); từ tháng 6/2015 đến hết 2015 mức thuế nhập khẩu từ Dung Quất là 10%.
Do sự chênh lệch về mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng DO dẫn đến đơn giá bình quân hàng nhập khẩu thấp hơn đối với hàng nhập từ Dung Quất từ 230 - 982 đồng/lít.
Đối với mặt hàng xăng, do việc áp dụng cùng mức thuế nhập khẩu, lợi thế về cung đường vận chuyển hàng nội địa, giá xăng bình quân đối với xăng nhập từ Dung Quất thấp hơn đối với việc nhập khẩu là 643 đồng/lít.
Với mức chênh lệch giá giữa nhập khẩu từ nước ngoài với giá nhập khẩu từ Dung Quất như trên, năm 2015 đơn vị đã thực hiện nhập xăng đảm bảo theo hạn mức tối thiểu được Bộ Công Thương giao còn lại thực hiện nhập từ Dung Quất với mức giá thấp hơn hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngược lại, đối với mặt hàng dầu, việc áp thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi dẫn đến giá dầu tại Dung Quất cao hơn giá nhập khẩu từ nước ngoài nên đơn vị chỉ nhập dầu đảm bảo hạn mức theo Hợp đồng nguyên tắc đã ký với Nhà máy Dung Quất, còn lại nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá thấp hơn.
Trước đó, dư luận phản ánh mức thuế được liên Bộ Tài chính - Công Thương áp dụng để tính giá cơ sở xăng dầu đang có độ "vênh" nhất định với mức thuế áp dụng trên thực tế. Cụ thể, từ tháng 5/2015, với các sản phẩm xăng dầu nhập về từ ASEAN, Hàn Quốc, thuế áp chỉ có 5%, 10%, thậm chí là 0% từ ngày 1/1/2016.
Thế nhưng theo Thông tư 78 của Liên bộ Công Thương, Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madut.
Nghĩa là việc này đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (khoản doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (khoản người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp).
Đây là khoản tiền mà các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 sau khi Thông tư 78 ra đời đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc. Việc phát sinh chênh lệch thuế trong cách tính giá bán lẻ xăng dầu khiến người dân phải mua xăng giá đắt, lợi nhuận lại chảy vào túi doanh nghiệp.
Để bịt "lỗ hổng" này, từ ngày 19/3/2016, thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định theo phương pháp tính bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA). Theo đó, phương pháp xác định thuế mới sẽ căn cứ thêm cả yếu tố tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý với cách tính là dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau.
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: