Tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên trở thành Tư lệnh mới của ngành GTVT.
Ông Nguyễn Văn Thắng ngồi “ghế nóng” trong bối cảnh ngành GTVT bên cạnh những điều đã làm được thì vẫn nhiều vướng mắc trong nhiều mảng hoạt động đặc biệt là mảng đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công
Về giải ngân đầu tư công, 9 tháng đầu năm, ngành GTVT mới chỉ giải ngân hơn 27.000 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch năm 2022. Trong khi đó, Ngân sách nhà nước tới đây chỉ được dùng cho những những dự án trọng điểm, có tính đột phá. Và dù vẫn đang trong top dẫn đầu bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công nhưng rõ ràng những kỳ vọng đối với ngành GTVT vẫn là rất lớn nhất là khi ngành này nắm giữ việc giải ngân vốn cho mảng hạ tầng cơ sở.
Đây cũng trở thành niềm trăn trở của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: “Không thể để có tiền mà không tiêu được. Nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”.
Bên cạnh đó, vấn đề lớn của ngành giao thông chính là làm thế nào để hút vốn từ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa nguồn vốn. Trong vòng 3 năm tới, sẽ có hàng loạt dự án giao thông trọng điểm vẫn cần khởi công và hoàn thành như tuyến Metro số 1, số 2, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Đường Vành đai 2, 3, 4 (Hà Nội), cầu Thủ Thiêm 4, sân bay Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Hà Nội... Đây sẽ là thời điểm cần dấu ấn điều hành của tân Bộ trưởng để khơi thông và đa dạng dòng vốn đầu tư.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng một trong những câu chuyện then chốt của ngành giao thông là làm sao để huy động được nguồn lực và giải ngân được nguồn lực để triển khai các dự án. Do đó, tân Bộ trưởng Bộ GTVT phải chủ động kêu gọi vốn hoặc chủ động tham mưu các cơ chế thu hút vốn để nhà đầu tư tiếp cận, triển khai quy hoạch.
“Tôi đánh giá tân Bộ trưởng là người quyết liệt và có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển. Trong việc phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư công là quan trọng nhưng xét về mặt dài hạn là phải huy động được nguồn vốn của toàn xã hội đặc biệt là thông qua hình thức đối tác công - tư. Là Chuyên gia Tài chính trải qua nhiều cương vị khác nhau từ Trung ương đến địa phương, ông Thắng sẽ có điều kiện để thực hiện điều này”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Năm 2022, Bộ GTVT được Chính phủ giao giải ngân hơn 50.300 tỷ đồng - đây là con số lớn nhất trong lịch sử được giao của bộ này. (Ảnh: Hữu Thắng) |
Trước đó, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, trả lời về trách nhiệm trên cương vị mới, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, kinh nghiệm công tác 22 năm trong ngành ngân hàng cho thấy nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do vậy trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế thì nên sử dụng ngân sách làm vốn mồi và cần có giải pháp thu hút được nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt là từ các doanh nghiệp để đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đánh giá cao về hình thức PPP, Tân Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp làm thế nào để thu hút nguồn lực ngoài xã hội đưa vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết sẽ soát lại các dự án BOT trong thời gian vừa qua. Từ đó, một mặt xây dựng các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của các dự án, đưa ra chính sách, giải pháp để tiếp tục thu hút các nguồn vốn xã hội cũng như các nguồn vốn khác.
Bài toán 3.000km đường cao tốc đến năm 2025
Ngồi vào ghế Tư lệnh ngành GTVT, ông Nguyễn Văn Thắng sẽ có nhiều thách thức đang chờ đợi. Thách thức đầu tiên phải kể đến là nhiệm vụ hoàn thành 5 Quy hoạch ngành quốc gia đối với các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải theo yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giao.
Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành cả 5 đề án quy hoạch và được Thủ tướng phê quyệt 4 quy hoạch về đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa. Riêng quy hoạch về cảng hàng không - sân bay đang trong quá trình thẩm định, xem xét.
Ngoài ra, hiện nay Bộ GTVT cũng đang trong quá trình xây dựng nhiều đề án trọng điểm của ngành được Chính phủ giao như Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam.
Thách thức tiếp theo là hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia đang trong quá trình triển khai mà nổi bật là đại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020) và giai đoạn 2 (2021 - 2025).
Trong đó, dự án giai đoạn 1 có 11 dự án thành phần thì theo báo cáo của Bộ GTVT, mới có 1 dự án thành phần hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.
10 dự án thành phần còn lại đang triển khai thi công xây dựng. Trong đó, cả 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đều chậm tiến độ.
7 dự án thành phần đầu tư công thì đoạn Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 chậm tiến độ. Còn 5 dự án thành phần sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư thì đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang chậm so với kế hoạch; 4 dự án khác (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) cơ bản đáp ứng tiến độ.
Với dự án giai đoạn 2 (gồm 12 dự án thành phần), hiện Chính phủ yêu cầu rút ngắn thời gian cho các khâu chuẩn bị dự án (từ thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng), bảo đảm đến tháng 12 tới đây khởi công và hoàn thành dự án vào năm 2025.
Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 cả nước sẽ có 3.000 km, và tới năm 2030 là 5.000 km. (Ảnh: Hữu Thắng) |
Bên cạnh đại dự án cao tốc Bắc – Nam, thách thức của Bộ GTVT còn ở mục tiêu tới năm 2025 cả nước sẽ có 3.000 km, và tới năm 2030 là 5.000 km. Trong khi trước đó, sau gần 20 năm, Việt Nam mới xây dựng được khoảng 1.500 km đường bộ cao tốc.
Mục tiêu này sẽ là thách thức rất lớn với tân Bộ trưởng GTVT, bởi khối lượng công việc phải nói là lớn “chưa từng có” với hàng loạt dự án sắp triển khai như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao tốc Tp. HCM - Mộc Bài, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh,…nhất là khi phải đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.
Bên cạnh đó, dù hàng loạt đại dự án cao tốc đã và đang được khởi động theo phương thức PPP, nhưng trên thực tế, hình thức PPP không dễ triển khai trong thời điểm này, do đa số các nhà đầu tư không đủ tiềm lực tài chính trong khi khó huy động vốn vay.
Loạt dự án “cần” về đích đúng hạn
Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, thách thức tiếp theo đang chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng "hoá giải" đó là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu khai thác chuyến bay đầu tiên trong năm 2025.
Dù các báo cáo của Bộ GTVT đều khẳng định các mốc đang đáp ứng cơ bản tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, tới nay, các hạng mục quan trọng như nhà ga hành khách, đường băng sân đỗ, đường kết nối... vẫn chưa được khởi công. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là cuối năm 2025, tức chỉ còn hơn 3 năm, phải hoàn thành và đưa vào khai thác sân bay này.
Cùng với đó là thách thức về việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Tính đến nay dù đã quá thời hạn 2 năm nhưng dự án vẫn còn một số đoạn tuyến chưa hoàn thành; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu tập trung, quyết liệt và chưa kịp thời đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó là loạt dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. HCM đang triển khai thực hiện đầu tư. Hiện nay, có 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó, Bộ GTVT chủ quản đầu tư 2 dự án, UBND Tp. Hà Nội chủ quản đầu tư 2 dự án và UBND Tp. HCM chủ quản đầu tư 2 dự án. Và hiện chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã về đích được đưa vào khai thác thương mại, các dự án còn lại đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian nhiều lần và tăng tổng mức đầu tư.
Hiện nay trong các dự án đường sắt đô thị mới duy nhất dự án Cát Linh - Hà Đông về đích. (Ảnh: Hữu Thắng) |
Bàn về những thách thức đang chờ đợi Bộ GTVT và tân Bộ trưởng mới, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá Bộ GTVT đang phụ trách một mảng đặc biệt quan trọng, đó là hạ tầng giao thông. Đây là yếu tố nền tảng, cần đi trước một bước, để tạo cơ sở cho phát triển của tất cả nền kinh tế, xã hội.
“Nhiệm vụ lớn nhất hiện nay của Bộ GTVT là làm sao phải triển khai các cái nhiệm vụ về xây dựng hạ tầng giao thông, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản các công trình để đảm bảo theo tiến độ theo kế hoạch đề ra, cũng như đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí. Vậy nên, phải nói rằng nhiệm vụ và thách thức đặt ra đối với ngành giao thông vận tải là rất lớn, khó khăn và phức tạp”, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nói với Người Đưa Tin.
Kỳ vọng với ông Nguyễn Văn Thắng trong vị trí Tư lệnh mới của ngành GTVT, ĐBQH Trần Văn Lâm bày tỏ mong muốn Bộ trưởng mới sẽ nhận thức được đầy đủ tất cả những khó khăn, thách thức cũng như yêu cầu, thuận lợi trong giai đoạn hiện tại và lâu dài để nhanh chóng nắm bắt công việc và triển khai nhiệm vụ, công việc đã, đang và sẽ triển khai của ngành một cách “thông đồng bén giọt” nhất là phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Tác giả: Mạnh Quốc - Hoàng Bích.
Nguồn tin: nguoiduatin.vn