Sáng 15/7, ông Ngô Văn Chiến cùng con trai bắt xe từ Thái Bình lên Hà Nội khi trời còn mờ tối để kịp tham dự ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2018 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sân trường chật kín thí sinh lứa “rồng vàng”, những người vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá khó hơn mọi năm.
Con trai ông Chiến là Ngô Minh Hiếu học lớp 12A1 trường THPT Thái Phúc (Thái Thụy, Thái Bình), dự thi khối A với tổng điểm 25,7, tính cả điểm cộng khu vực. Nguyện vọng 1 của em là ngành Công nghệ thông tin, nguyện vọng 2 là ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, đều thuộc Bách khoa Hà Nội.
Điểm số khá cao so với mặt bằng chung, nhưng thấp hơn hẳn những lần Hiếu luyện giải đề. Năm nay, điểm ưu tiên khu vực giảm 50% so với năm 2017 do vậy ông Chiến vẫn thấp thỏm vì không biết điểm chuẩn thay đổi như thế nào, không thể dựa trên điểm các năm trước để dự đoán.
“Nhỡ đâu nhiều người điểm cao nộp đơn vào ngành Công nghệ thông tin, con mình lại thành trượt. Hai bố con đang muốn được tư vấn để xem có nên thay đổi nguyện vọng 1 thành 2 cho chắc ăn không”, ông Chiến cho biết.
Nhiều phụ huynh cùng con đến ngày hội tư vấn xét tuyển để bày bỏ những khúc mắc. Ảnh: Thùy Linh |
Cùng chung nỗi băn khoăn, một học sinh đặt câu hỏi cho đội ngũ tư vấn: “Đề thi khó hơn khiến điểm chênh lệch với năm ngoái, vậy em phải căn cứ vào đâu để đăng ký xét tuyển đại học?”.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề có tính phân loại cao nhằm đảm bảo công bằng cho các em trong xét tuyển. Khi lựa chọn ngành, chọn trường và xét thứ tự ưu tiên nguyện vọng, thí sinh phải căn cứ vào điểm thi cụ thể của mình với tương quan điểm của những người cùng thi.
Sau đó, thí sinh xác định ngành muốn học, tìm hiểu có bao nhiêu trường đào tạo ngành đó và tham khảo tương quan điểm của các trường qua các năm. Việc này giúp các em biết trường nào lấy phân khúc điểm cao, trung bình và thấp. Vụ trưởng lưu ý, điểm trúng tuyển vào các trường năm nay theo mặt bằng chung là thấp hơn năm trước.
Lo lắng ảnh hưởng từ kết quả bất thường ở Hà Giang
Có con trai tốt nghiệp THPT năm nay, chị Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngày nào cũng lên báo, lướt mạng xã hội để theo dõi thông tin về điểm thi. Vấn đề khiến chị bức xúc là số điểm giỏi ở môn tự nhiên của tỉnh Hà Giang, vốn bị coi là vùng trũng giáo dục, lại cao bất thường.
Giống suy nghĩ của nhiều người, chị Nga không tin vào kết quả này và lo lắng thí sinh cả nước sẽ bị ảnh hưởng khi xét tuyển đại học. “Tôi muốn cơ quan chức năng tổ chức thi lại cho thí sinh tỉnh Hà Giang, hoặc chất vấn riêng những em đạt điểm cao bằng chính đề thi vừa rồi. Nếu thực lực của các em đủ để đạt kết quả đó, mọi chuyện sẽ sáng tỏ”, chị nói.
Bà mẹ này chỉ đến ngày hội tư vấn xét tuyển một mình vì con trai đang đi học thêm tiếng Anh, nhằm phục vụ cho việc kiểm tra đầu vào của tân sinh viên, hoặc thi lớp chất lượng cao của một số trường.
Con trai chị đang định phúc khảo môn Toán, bởi điểm tự chấm là 8 nhưng điểm công bố chỉ 6. Với tổng 19,25 điểm khối A, em không thể đăng ký nhiều ngành mong muốn. Nếu xảy ra bất công về điểm thi, cơ hội của em càng khó khăn.
“Mấy hôm nay tôi chờ điểm chuẩn mà hồi hộp như đang chơi sàn chứng khoán, điểm lên xuống rất khó đoán”, chị Nga chia sẻ.
Băn khoăn đầu ra
Nhiều thí sinh muốn chọn ngành học đảm bảo xin được việc làm sau khi ra trường, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin về dự báo thị trường lao động trong tương lai gần để tham khảo.
Giải đáp thắc mắc này, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, theo dữ liệu của Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, đến năm 2025, nhóm ngành có số việc làm tăng là công nghệ kỹ thuật, nghệ thuật giải trí, dịch vụ, du lịch... Trong đó, du lịch là ngành đã được dịch chuyển tự do trong ASEAN. Tương lai, bảy ngành khác sẽ được tiếp tục xây dựng, chuẩn hóa đào tạo để người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc nhiều nơi, theo thỏa thuận của các nước trong khối.
Nhóm ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, vận tải gần như không tăng. Ở lĩnh vực hành chính sự nghiệp, quản lý nhà nước, số lượng việc làm sẽ giảm sâu. Để tìm hiểu kỹ hơn, Vụ trưởng khuyến khích thí sinh và phụ huynh tải ứng dụng "Chọn nghề" trên smartphone do Bộ Lao động vừa ra mắt để tham khảo thông tin về ngành học thích hợp.
Thí sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: Thùy Linh |
Một thí sinh đạt 20 điểm muốn đăng ký ngành khí tượng thủy văn nhưng e ngại không đúng xu hướng, sẽ lãng phí cơ hội việc làm. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị công tác sinh viên, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyên em mạnh dạn đăng ký theo nguyện vọng cá nhân.
Theo ông, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, ngành nghề “bắt bệnh ông trời”, “đo gió, đếm mây” là lựa chọn tốt. Sinh viên giỏi thuộc nhóm ngành khí tượng của trường hiện được Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tạo điều kiện cấp học bổng, hỗ trợ thực tập và có thể tuyển dụng ngay khi ra trường.
Bên cạnh đó, nếu muốn được cam kết việc làm 100%, thí sinh có thể tìm hiểu một số trường đào tạo nghề như Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, thuộc 45 trường được Thủ tướng ký quyết định đầu tư để trở thành trường chất lượng cao. Sinh viên thuộc bảy ngành nghề chắc chắn có việc với mức lương từ bảy triệu đồng trở lên sau khi ra trường. Những ai muốn theo ngành công nghệ ôtô, điện công nghiệp, cơ điện tử… có thể cân nhắc.
Đối với những người muốn học đại học nhưng gia đình rất khó khăn, ban tư vấn giới thiệu chương trình thực tập lương cao ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các em có cơ hội đi thực tập ở Nhật Bản, Israel hoặc Australia, được trả lương 30-40 triệu đồng mỗi tháng. Sau một năm ở nước ngoài, trừ chi phí sinh hoạt, sinh viên có khoảng 150 triệu đồng, hoàn toàn có thể chi trả toàn bộ học phí bốn năm học và trang trải cho cuộc sống.
Theo Bộ Giáo dục, năm 2018 có 642.000 thí sinh lứa rồng vàng (sinh năm 2000) đăng ký xét tuyển đại học. Từ ngày 11 đến 19/7, các trường sẽ công bố điểm sàn nhận hồ sơ; từ 18 đến 28/7, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress