Kinh tế

Lộ diện 'bàn tay' điều khiển thương vụ bất thường 2,4 ngàn tỷ

Ông chủ của thương vụ giao dịch đột biến gần 2,4 ngàn tỷ cách đây hơn một tuần lộ diện. Dòng tiền ngoại vẫn đang ồ ạt đổ vào chứng khoán Việt.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bên mua trong thương vụ giao dịch hơn 74 triệu cổ phiếu ACB (7,26% vốn) là FIRST BURNS Investments Limited và ASIA REACH Investments Limited, với số lượng tương ứng là 33,5 và 41 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, đây chính là công ty con của Connaught Investors Limited, bên bán trong thương vụ ngàn tỷ vừa qua. Cả 3 tổ chức cùng có chung người đại diện là ông Alain Xavier Cany, người từng là thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu từ năm 2008-2015.

Vụ chuyển nhượng nội khối đã khiến Connaught Investors Limited không còn là cổ đông lớn, trong khi cả 2 quỹ mới cũng sở hữu tỷ lệ cổ phần chưa đủ để là cổ đông lớn của Ngân hàng ACB.

Thương vụ bí ẩn giờ đã được công khai và nó là một dấu hiệu nữa cho thấy khối ngoại vẫn quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Dòng vốn đang đổ vào các cổ phiếu blue-chips trên thị trường và theo hướng ngày càng kín đáo hơn.

Trong phiên giao dịch 25/11, giới đầu tư cũng chứng kiến một hiện tượng bất thường. Chỉ trong vòng 15 phút room hiếm hoi tại Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank (MBB), khối ngoại đã nhanh tay mua trọn hơn 3,4 triệu cổ phiếu MBB, lấp đầy chỗ trống.

Thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ngày 24/10 cho biết đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán thay đổi lần thứ 9 cho MBBank do đăng ký bổ sung thêm 102.764.454 chứng khoán từ đợt phát hành trước đó. Toàn bộ số cổ phiếu trên sẽ lưu ký bổ sung bắt đầu từ ngày 25/10/2017.

Với số lượng cổ phiếu tăng thêm, room ngoại có thêm hơn 3,4 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu này ngay lập tức đã được khối ngoại đã mua sạch trong phiên 150 phút ATO khớp lệnh đầu ngày. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MBB đã nhanh chóng trở về mức kịch trần 20%.

Không chỉ MBB, hàng loạt cổ phiếu khác cũng đã đầy room ngoại như trường hợp ACB nói trên hay VPBank (VPB) vừa lên sàn hồi giữa tháng 7 với gần 1,8 ngàn tỷ trao tay trong 15 phút ATO phiên giao dịch đầu tiên. Khối ngoại đã ngay lập tức lấp đầy chỗ trống.

Một số ngân hàng gần đây thậm chí còn hạ room ngoại như trường hợp LienVietPostBank, Techcombank để hạn chế giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ với mục đích để dành room cho NĐT chiến lược.

Trong hội nghị Gateway 2017 do SSI tổ chức, đại diện của một số tổ chức đầu tư nước ngoài cho rằng, thông của Chính phủ Việt Nam đã rõ ràng và cơ hội cho các nhà đầu tư trên TTCK là rất lớn và Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong 18 tháng qua.

Trên thực tế, TTCK Việt Nam có quy mô ngày càng lớn hơn. Số lượng hàng hóa nhiều hơn và có nhiều hàng chất lượng hơn. Đây là tiền đề để TTCK Việt Nam được nâng hạng và hút được các dòng vốn lớn hơn.

Theo chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng, trong 10 năm qua, quy mô thị trường đã tăng gấp 3 lần, từ 22% GDP năm 2006 lên hơn 63% GDP ở thời điểm hiện tại. Từ lúc thị trường chỉ có 1 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, thì giờ đây con số đó đã là 23.

Hàng loạt cổ phiếu lớn lên sàn như: Sabeco, Vietnam Airline, Vietjet Air, Novaland, Petrolimex, VPBank và sắp tới là Vincom Retail, HDBank, Techcombank...

Thông tin từ Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, đơn vị này đã chấp thuận đăng ký niêm yết 1,9 tỷ cổ phiếu của CTCP Vincom Retail vơi smax VRE với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là hơn 19 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, theo Reuters, giá trị thương vụ IPO Vincom Retail lên tới 713 triệu USD. HIện DN này có cổ đông lớn là Vingroup và 2 cổ đông lớn khác là NĐT nước ngoài gồm Credit Suisse AG (chi nhánh Singapore) và WP Investments III B.V lần lượt sở hữu 5,05% vốn và 15,17% vốn.

Sau một vài phiên chịu áp lực giảm, TTCK đang tăng trở lại và lập đỉnh cao mới. VN-Index đã vượt lên trở lại ngưỡng cao thập kỷ 830 điểm nhờ hàng loạt các cổ phiếu lớn như: GSS, VietJetAir (VJC), Masan (MSN), Thế Giới Di Động (MWG), Bia Hà Nội (BHN),... và nhóm cổ phiếu ngân hàng như: ACB, CTG, VCB, VPB, MBB, BID,...

Tuy nhiên, một số cổ phiếu sau thời gian tăng dài vẫn đang chịu áp lực chốt lời mạnh như: HPG, VIC, HSG, DHG,...

Khối ngoại vẫn đang mua ròng Vinamilk (VNM), Vingroup (VIC), Ngân hàng Quân đội (MBB),...

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Thanh khoản chung trên thị trường cải thiện nhưng chưa rõ ràng. Dòng tiền không chỉ đổ vào các cổ phiếu chủ chốt mà còn nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt.

Các chỉ số kinh tế vĩ vẫn khá tốt. Vốn FDI trong 10 tháng đạt hơn 28 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ 2016...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, VN-index tăng 5,45 điểm lên 830,69 điểm; HNX-Index tăng 0,71 điểm lên 107,4 điểm. Upcom-Index giảm 0,5 điểm xuống 52,8 điểm. Thanh khoản đạt gần 210 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần5 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Tác giả: H. Tú

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok