Bạn cần biết

Liệu nước ép trái cây có phải là một lựa chọn lành mạnh?

Nước ép trái cây tươi rất giàu chất dinh dưỡng, tuy nhiên, một số thử nghiệm đã chỉ ra rằng một ly nước ép táo đỏ tươi 300ml có hàm lượng đường cao hơn một lon nước ngọt 320ml.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Food Navigator)

Người ta tin rằng nước ép trái cây tươi rất giàu chất dinh dưỡng, và nhiều người thậm chí coi nước trái cây là một thức uống lành mạnh để thay thế nước ngọt đóng chai.

Tuy nhiên, các thử nghiệm được thực hiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia từ Cao đẳng Bách khoa Temasek của Singapore cho thấy nước trái cây chưa chắc đã là một lựa chọn lành mạnh.

Cho dù đó là nước ép trái cây tươi, nước ép từ máy ép chậm hoặc nước ép đóng chai, chúng đều chứa nhiều đường như một lon nước ngọt.

Các thử nghiệm đã chỉ ra rằng một ly nước ép táo đỏ tươi 300ml có hàm lượng đường cao hơn một lon nước ngọt 320ml.

Chuyên gia nghiên cứu đã sử dụng khúc xạ kế để đo hàm lượng đường, bao gồm cả đường được tạo ra bởi phản ứng tự nhiên.

Tiến sỹ Kalpana Bhaskaran, Phó chủ tịch Hiệp hội Tiểu đường Singapore, cho biết từ góc độ dinh dưỡng, ăn trái cây tốt hơn uống nước ép trái cây, thậm chí là nước ép trái cây tươi.

Cô nói rằng quá trình ép sẽ tước đi chất xơ, một số vitamin và khoáng chất trong trái cây.

Vì một ly nước ép thường cần nhiều hơn một loại trái cây, nên hàm lượng đường trong nước ép sẽ cao hơn so với việc chỉ ăn một loại trái cây.

Tiến sỹ Kalpana lưu ý rằng mọi người nên chú ý đến hàm lượng carbohydrate và đường mà cơ thể tiêu thụ.

"Chúng ta không nên quên rằng nước trái cây là một nguồn đường cô đặc. Tốt nhất nên ăn trái cây để không gây mất chất xơ. Ăn như vậy, chúng ta có thể kiểm soát lượng calo, đồng thời việc nhai trái cây sẽ làm tăng cảm giác no," tiến sỹ Kalpana nói.

Ví dụ, một quả táo đỏ cỡ trung bình có thể cung cấp 15 gram carbohydrate, chủ yếu là từ các loại đường tự nhiên như đường, sucrose và glucose. Nhưng theo thí nghiệm, một ly nước táo 300ml có thể chứa tới 40,2g đường.

Trên thực tế, việc bóc tách các sợi chất xơ từ trái cây thông qua quá trình chiết xuất nước ép không chỉ có hại cho đường ruột mà còn đẩy nhanh quá trình hấp thụ đường của máu.

Thậm chí, vấn đề còn tồi tệ hơn khi một số cửa hàng sẵn sàng bỏ thêm đường vào để tăng hương vị của nước ép.

Máy ép chậm

Những năm gần đây, nhiều gia đình đã bắt đầu sử dụng máy ép chậm thay thế những chiếc máy ép thường.

Người ta sử dụng một công nghệ đặc biệt để từ từ ép nước trái cây với nhiệm vụ bảo quản dinh dưỡng càng nhiều càng tốt.

Nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nói đến hàm lượng đường, nước ép từ máy ép chậm không khác gì nước ép được chiết xuất bởi máy ép thông thường.

Khi "phần thịt của trái cây" bị bỏ lại, nó vẫn mất các chất xơ có lợi. Các chất xơ này giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, cải thiện hệ tiêu hóa và khiến chúng ta cảm thấy no./.

Tác giả: Lan Phương

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok