Ông Kế đang chải tóc cho người mẹ của mình sau 39 năm lưu lạc |
Ông Nguyễn Văn Kế (SN 1959, quê ở thôn Tân Đa, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) - người được công nhận liệt sĩ cách đây 34 năm đã trở về trong sự bất ngờ và niềm hạnh phúc tột cùng của người thân, bạn bè. Cuộc trùng phùng đến khó tin ấy được bắt nguồn từ những chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Nước mắt ngày đoàn tụ
Những ngày qua, trong căn nhà nhỏ nằm ở cuối làng của gia đình cụ Trịnh Thị Hẩy (SN 1935, mẹ của ông Kế) lúc nào cũng đông vui vì nhiều người thân, bạn bè đến hỏi thăm khi hay tin liệt sĩ Kế còn sống và đã trở về.
Không thể giấu xúc động, cụ Hẩy tâm sự: “Ngày nghe tin con hy sinh ở chiến trường, tôi như chết lặng. Thấy anh em đồng đội nó trở về, càng nghĩ lại càng thương con. Đến hôm nay con về mà tôi không thể nào tin được đây là sự thật, cảm ơn trời phật đã đưa con về đoàn tụ với gia đình”.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 7 anh em, năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Kế lên đường nhập ngũ huấn luyện tại Sư đoàn 442 (huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Sau huấn luyện, ông được chuyển vào chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Ngày ông cùng bạn bè trong xóm lên đường, người thân, bạn bè tiễn đưa trong niềm hy vọng một ngày không xa sẽ trở về đoàn tụ. Năm 1983, cụ Hẩy đau đớn tột cùng khi nhận giấy báo tử và bằng công nhận liệt sĩ.
Hồi ức lại những ngày bị mất tích giữa rừng sâu, ông Kế tâm sự: “Tôi chỉ nhớ hôm đó khi đang đánh nhau với địch thì tôi và một vài đồng đội bị thương, sau đó chúng tôi dạt vào một bệnh xá của Campuchia để điều trị. Khi quay về đơn vị thì bị quân Pol Pot bắt giữ. Trong nhóm chúng tôi có một người bị bắn chết tại chỗ. Tôi cùng một đồng đội sau đó đã chạy trốn và lưu lạc bên Campuchia ít năm, rồi lại dạt về Thái Lan cho đến nay”.
Sau 39 năm lưu lạc nơi xứ người, sáng 1/10, ông Kế đã có mặt tại gia đình trong niềm vui vỡ òa. Mới hai ngày, nhưng lúc nào trong nhà ông cũng rôm rả tiếng nói cười. Vì trò chuyện suốt hai ngày qua nên ông Kế khản cả giọng, không cất nên lời.
Ông Nguyễn Văn Long (SN 1968, em trai ông Kế) vui mừng chia sẻ: “Nhận được tin anh sắp về mà cả nhà tôi không ngủ được. Đêm ngày cứ rạo rực đi khắp làng trên, xóm dưới để trò chuyện với mọi người. Khi anh về đến nhà thì tôi như vỡ òa, nhìn anh đen và già đi rất nhiều, nghĩ mà thương anh lắm, anh đã chịu khổ suốt thời gian dài rồi”.
39 năm cơ cực nơi xứ người
Theo lời kể của ông Kế, suốt 39 năm qua, ông không ngừng tìm kiếm những thông tin từ phía gia đình. Sau khi ở Campuchia hơn 20 năm, ông dạt về một tỉnh gần biên giới của Thái Lan, kể từ đó đến nay ông chưa một lần được ăn no, chưa một lần được cảm nhận tình yêu thương và hạnh phúc gia đình. Không nhà, không tiền, không gia đình, người thân… là những gì mà ông đã trải qua suốt từng ấy năm. Để sống sót trở về như ngày hôm nay, ông đã phải sống cơ cực như những người vô gia cư, ngày lượm ve chai, đêm tá túc ở bất kỳ nơi đâu.
Nghĩ về những năm tháng tha phương ấy, ông Kế nghẹn ngào: “Sau khi bị lạc ở Campuchia, tôi được người dân thương tình cho ăn, cho uống. Ngày này qua tháng nọ, tôi cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác để sống qua ngày. Vì không giấy tờ tùy thân, không hiểu tiếng nước họ nên tôi chẳng biết đi đâu, về đâu. Tôi đi lượm ve chai bán lấy tiền ăn, đêm đến lại xin ngủ nhờ nhà dân, có những lúc tôi phải vào chùa để tá túc”.
Nói đến đây, những giọt nước mắt chực trào khiến cổ họng ông nghẹn đắng, không sao cất nên lời. Sau một hồi trấn tĩnh, ông kể tiếp: “Những ngày đầu ở bên đó tôi suy sụp hoàn toàn vì gần như không còn nhớ bất kỳ thứ gì, có những lúc như người vô hồn không biết đi đâu. Cũng may, đến khi dạt sang Thái Lan, được người dân thương tình cho ở tạm tại một khu nhà nhỏ. Thế nhưng, vì không biết tiếng nên không thể hỏi thăm về quê được”.
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề đã đeo đẳng ông suốt nhiều năm liền. Cũng vì lẽ đó, ông chẳng thể nào dám mơ đến việc yêu thương một người con gái để rồi lập gia đình.
Cuộc hội ngộ bất ngờ nhờ Facebook
Nói về hành trình trở về, ông Kế chia sẻ đây là một cái duyên và may mắn. “Cuối tháng 9 vừa rồi, trong lúc đi nhặt ve chai ở Thái Lan, tôi nghe thấy có tiếng người Việt Nam ở gần đó nên chạy lại hỏi thăm. Sau một hồi trò chuyện, anh ấy đã dùng điện thoại rồi đưa lên mạng xã hội để tìm người thân giúp tôi. Khoảng gần một tuần thì anh ấy bảo người nhà và chính quyền xã đã nhận được thông tin. Lúc đó, tôi vui lắm”.
Ngay sau khi những dòng chia sẻ được đưa lên Facebook, cộng đồng mạng đã chia sẻ đến nhiều nơi và người đã xác nhận, chủ động liên lạc với ông Kế là Phó chủ tịch xã Quảng Tân, quê hương của ông Kế.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Bá Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết: “Trưa 26/9, trong lúc đọc báo và lướt mạng, tôi thấy có dòng chia sẻ của một đồng nghiệp tại cơ quan về trường hợp của ông Kế. Vì đây là mảng chính sách mà tôi làm nên nhớ rất rõ. Tôi thấy những thông tin rất giống với một liệt sĩ tại địa phương nên đã gọi đến số điện thoại ghi dưới dòng chia sẻ. Sau một hồi nói chuyện, được gặp và nghe ông Kế chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Xác nhận rõ đây đúng là người địa phương, tôi đã lên phương án và kế hoạch đi như thế nào để ông ấy tìm đường về nhà”.
“Sáng 1/10, ông Kế đã về đến nhà. Về việc này, chúng tôi đang làm báo cáo lên huyện và chuẩn bị xuống thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra xem ông Kế còn giấy tờ tùy thân không để làm lại sổ hộ khẩu cho gia đình và sẽ có kế hoạch trình báo Sở để làm chế độ trợ cấp cho ông”, ông Tùng nói.
Tác giả: Phúc Tuấn - Thanh Tùng
Nguồn tin: Báo Giao thông