Trong tỉnh

'Liệt sĩ' trở về, bây giờ ra sao?

Trở về sau 39 năm là liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Kế (quê Thanh Hóa) đoàn tụ và sống đầm ấm bên mẹ già dù cuộc sống còn nhiều khó khăn

Một ngày đầu tháng 10-2017, người dân xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa ngỡ ngàng hay tin "liệt sĩ" Nguyễn Văn Kế (SN 1959; ngụ thôn Tân Đa, xã Quảng Tân) đột ngột trở về. Cuộc hội ngộ bất ngờ giúp ông Kế tìm được quê hương, mẹ già và những người ruột thịt, kết thúc cuộc hành trình gần 40 năm lưu lạc xứ người.

Tìm được mẹ nhờ Facebook

Về thôn Tân Đa (nay là thôn Phú Thọ), xã Quảng Tân, men theo con mương thủy lợi đi khoảng 200 m thì tới căn nhà xây đã cũ, loang lổ vôi ve của ông Kế. Đây là nơi ông Kế sống những tháng ngày tuổi thơ, trước khi lên đường nhập ngũ năm 1978.

Sau gần 3 năm đoàn tụ, trí nhớ của ông Nguyễn Văn Kế dần hồi phục. Người lính năm xưa gần như nhớ hết những ký ức trước kia ông lên đường nhập ngũ ở đâu, chiến đấu ở đơn vị nào rồi vì sao mất tích, lưu lạc suốt hàng chục năm trời.

"Năm 1978, sau một thời gian huấn luyện tại huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), tôi được điều động vào chiến trường Tây Nam, biên chế thuộc một tiểu đoàn thông tin của Sư đoàn 330. Sau một thời gian chiến đấu, tôi ốm và nằm nhà thương. Lúc trở về đơn vị, xe chở chúng tôi bị Pol Pot phục kích dọc đường rồi truy bắt. Tôi trốn vào rừng, sau đó lưu lạc từ Campuchia sang Thái Lan" - ông Kế nhớ lại.

Do bất đồng ngôn ngữ, người cựu binh không biết tìm cách nào để về quê hương nên cứ sống lay lắt nay đây mai đó bằng nghề nhặt ve chai. Cuối tháng 9-2017, trong lúc đi nhặt ve chai, ông Kế nghe một người nói tiếng Việt gần đó nên chạy lại hỏi thăm. Biết ông là người Việt Nam lưu lạc, đang mong muốn tìm đường về quê, người phụ nữ này đã chụp ảnh rồi chia sẻ câu chuyện lên Facebook.

Không ngờ mọi chuyện diễn ra quá thuận lợi. Ít ngày sau, một người đàn ông nói tiếng Việt tìm đến thông báo rằng người nhà và chính quyền xã Quảng Tân biết thông tin của ông nên đang tìm cách liên lạc sang Thái Lan. Sau đó, ông Kế được người đàn ông tốt bụng trên cho ngồi nhờ xe trở về Việt Nam, dừng ở Kiên Giang. Người thân liên lạc nhờ nhà xe đón ông về Thanh Hóa trùng phùng cùng gia đình.

Ông Nguyễn Văn Kế bên mẹ là cụ Trịnh Thị Hẩy

Ngôi nhà nơi ông Kế sống từ thời thơ ấu

Mong sớm được hưởng chính sách

Trở về quê nhà, được sống đầm ấm bên cạnh mẹ già, người thân, xóm làng, ông Nguyễn Văn Kế dần quên đi những ngày tháng đen tối lang thang nơi xứ người. Chính quyền địa phương đã khôi phục lại hộ khẩu hộ tịch, nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất, tạo công ăn việc làm giúp ông sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do thường xuyên ốm đau nên sau một thời gian làm việc tại một công ty với mức đãi ngộ gần 6 triệu đồng/tháng, ông Kế không thể tiếp tục công việc.

Không có công ăn việc làm nên hai mẹ con chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp tuổi già và tiền bảo trợ xã hội ít ỏi chưa đến 800.000 đồng. "Giờ tôi bị bệnh, thường xuyên phải nằm viện, chẳng làm được gì, mỗi tháng chỉ được nhà nước hỗ trợ 405.000 đồng tiền bảo trợ nên cũng khổ lắm!" - ông Kế nói.

Cụ Trịnh Thị Hẩy (85 tuổi, mẹ của ông Kế) tâm sự ngày con trai trở về, bà như người chết đi sống lại. Bà không thể ngờ sau bao năm mất con, có ngày bà và người thân được gặp lại đứa con đã là liệt sĩ bao nhiêu năm qua.

Ngày ông Kế trở về, người đen sạm, ốm yếu nhưng một thời gian sau dần có da có thịt, sức khỏe, trí nhớ dần hồi phục. "Thế nhưng, khoảng 1 năm trở lại đây, nó cứ ốm đau suốt, không thể đi làm được nên cuộc sống cũng vất vả. Tôi già rồi, chẳng còn sống được bao lâu nhưng thương nó không vợ con, lương bổng, về già sẽ côi cút, cô đơn. Chỉ mong trước lúc nhắm mắt xuôi tay, nó được nhà nước quan tâm cho hưởng chế độ thương binh để phần nào bớt cơ cực" - bà Hẩy mong mỏi.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-BT-XH) huyện Quảng Xương, cho biết phòng đã phối hợp với xã hỗ trợ, giúp đỡ ông Kế sớm ổn định cuộc sống những ngày đầu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xác minh nhân thân, báo cáo cấp trên xem xét làm các chế độ theo quy định cho ông Kế. Tuy nhiên, hồ sơ của ông Kế không còn gì, ngay cả bên huyện đội cũng không còn hồ sơ, danh sách lúc nhập quân. Huyện đội sau đó báo cáo tỉnh đội làm văn bản gửi vào đơn vị theo lời khai của ông Kế nhưng gia đình trực tiếp vào đơn vị cũng không tra ra được.

Cũng theo bà Thu, do không có giấy tờ nên UBND huyện sau đó đã báo cáo Sở LĐ-TB-XH để đơn vị hướng dẫn, giải quyết. Sở phản hồi phải để bên quân đội giải mã phiên hiệu. "Bây giờ muốn làm được, Quân khu hoặc đơn vị nơi ông ấy đóng quân, chiến đấu phải có hồ sơ lưu hoặc xác nhận đúng ông này đi bộ đội, có tham gia chiến trường đó thì mới đủ cơ sở đưa ông Kế đi giám định sức khỏe xem ông ấy là thương binh hay bệnh binh mới giải quyết được chế độ. Chúng tôi cũng thấy thương ông nhưng giờ quy định như thế, không làm khác được" - bà Thu chia sẻ.

Thận trọng rà soát hồ sơ

Ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, cho hay từ năm 1998 đến nay, Thanh Hóa có 67 "liệt sĩ" trở về.

Khi những "liệt sĩ" còn sống trở về địa phương, trách nhiệm của sở là thu hồi lại giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công. Còn tất cả chế độ thương bệnh binh bên quân đội sẽ rà soát, thẩm tra toàn bộ. "Tại Thanh Hóa, số lượng trở về địa phương như bác Nguyễn Văn Kế rất nhiều nên muốn làm được chế độ phải làm chặt chẽ. Cơ quan an ninh đang rà lại toàn bộ hồ sơ và phải làm thận trọng" - ông Huệ nói.

Tác giả: THANH TUẤN

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok