Nhà máy may công nghiệp ở huyện Quảng Xương thu hút, tạo việc làm cho lao động nông thôn. |
Thêm hiểu biết, đào tạo thực tiễn
Tại xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, hiện có tới 9 cán bộ, công chức không là người địa phương; từ chức danh chủ chốt đến công chức địa chính, kế toán, văn phòng-thống kê. Có công chức quê ở các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, hiện chuyên tâm công tác tại xã.
Đồng chí Nguyễn Văn Vỹ ở xã vùng xa Quảng Phúc, huyện Quảng Xương được luân chuyển về xã Quảng Văn, hiện giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Tuổi đã cao, di chuyển 40km đi, về trong ngày nhưng người đứng đầu luôn “đến sớm, về muộn”, bảo đảm quy chế làm việc, cơ chế thông tin với bộ phận tham mưu; cùng tập thể cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa nội dung xây dựng cơ quan văn hóa, nhất là tinh thần “hết việc mới hết giờ” hành chính.
Cùng với việc rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ xã đề ra; Thường trực, Ban thường vụ Đảng ủy xã Quảng Văn chú trọng quy tụ khối đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, tập trung lãnh đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới. Thực hành dân chủ, động viên nhân dân hiến đất mở rộng lòng đường, huy động nguồn lực trong nhân dân kiên cố hóa đường giao thông nông thôn cùng hệ thống tiêu thoát nước.
Các lãnh đạo xã, đảng ủy viên, cán bộ các tổ chức đoàn thể đảm nhận những phần việc cụ thể, xây dựng, nhân rộng “mô hình dân vận khéo”, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Lực lượng thanh niên xung kích đảm nhận phần việc, biến những đoạn tường thành tranh bích họa, “cột điện nở hoa”; phụ nữ trồng hoa thay cỏ dại bên đường, xây dựng mô hình “5 không, ba sạch”; nông dân liên kết sản xuất nông sản, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Quảng Văn hiện là vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao ở huyện Quảng Xương, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng nhằm nhân rộng và sản phẩm “Dưa vàng” trong nhà kính, nhà lưới đạt OCOP 3 sao.
Nhân dân đầu tư mua sắm 14 máy dệt chiếu công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho gần 1.700 lao động; cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả, xây dựng vườn mẫu, nhà sạch, vườn đẹp nên đã có 3/5 thôn đạt tiêu chí kiểu mẫu.
Từ xã Quảng Ngọc được luân chuyển, được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, được Hội đồng nhân dân bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Văn, đồng chí Đàm Văn Thanh bộc bạch: Tập thể Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành nhằm tạo bước chuyển biến toàn diện, nhất là có thêm nhiều sản phẩm, công trình cụ thể. Nhân dân ghi nhận đánh giá công bằng đối với cán bộ, nhưng đồng thời tổ chức, cơ quan cấp trên luôn sâu sát, phải có bản lĩnh bảo vệ cán bộ cơ quan dân bầu dám nghĩ, dám nói đi đôi với làm.
Tập thể lãnh đạo ở xã Quảng Văn giao ban thường kỳ. |
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình đội ngũ, nhiệm kỳ này huyện Quảng Xương xây dựng đề án, công khai kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ, gắn với bố trí các chức danh chủ chốt không là người địa phương. Mục tiêu nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín; phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn đào tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo chuyển biến, thúc đẩy phong trào thi đua ở các địa phương; gắn với chuẩn bị nguồn nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở và cấp huyện, nhiệm kỳ 2025-2030 và tiếp theo.
Hiện tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có ít nhất một chức danh chủ chốt không là người địa phương. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Xương Phạm Thị Mai trao đổi: Hai năm đầu nhiệm kỳ mới có 10 đồng chí được điều động, luân chuyển và sang năm 2022 có 22 đồng chí, năm 2023 có 13 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý được điều động, luân chuyển gắn với bố trí các chức danh chủ chốt không là người địa phương. Các cán bộ điều động, luân chuyển hướng nhiều hoạt động về cơ sở, dành thời gian tìm hiểu thực tiễn, dự sinh hoạt với chi bộ, năng động lãnh đạo, điều hành những nội dung, công việc sát hợp với thực tiễn địa phương. Do vậy, huyện Quảng Xương tiếp tục đạt kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong tổng 25 xã, 188 thôn, tổ dân phố triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao; kết quả đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 85 thôn, tổ dân phố, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu với 37 sản phẩm OCOP toàn huyện.
Ở xã vùng cao Yên Thắng, huyện miền núi Lang Chánh có nhiều cán bộ, công chức, viên chức không là người địa phương đang công tác tại xã. Tốt nghiệp đại học Luật, được tuyển dụng công chức văn phòng, tư pháp ở xã biên giới Yên Khương, rồi được điều động luân chuyển về xã Yên Thắng làm công chức tư pháp hộ tịch, Vi Văn Thương luôn bảo đảm nền nếp công tác, chuẩn mực trong tiếp dân.
Xã Yên Thắng có diện tích rộng, địa hình chia cắt, nhiều thôn vùng sâu, xa, giao thông đi lại khó khăn nên Thương quán triệt trách nhiệm phục vụ nhân dân theo phương châm “không còn người dân giải quyết thủ tục hành chính mới hết giờ làm việc” và tham gia “ngày thứ 7 tình nguyện” hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh, ứng dụng trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Cùng công tác ở xã Yên Thắng còn có trưởng công an xã, địa chính, kế toán, Phó Bí thư thường trực và Bí thư đảng ủy xã không là người địa phương. Từng lãnh đạo trồng mới, phục tráng hàng trăm ha rừng luồng, chuyển đổi tập quán lợi dụng vốn rừng sang đầu tư phát triển thảm rừng hàng hóa, tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân xã Yên Khương, giữa năm 2022, đồng chí Lê Hữu Tuân được luân chuyển, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng. Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể; cấp ủy, chính quyền xã Yên Thắng động viên nhân dân tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ tiêu kinh tế-xã hội đi đôi với bảo tồn văn hóa dân tộc. Tiếp tục thâm canh lúa nước, phát triển đàn gia súc, đầu tư phục tráng thảm rừng luồng, cung ứng cho nhà máy chế biến tre luồng ở trung tâm huyện lỵ; nhân dân xã Yên Thắng được hướng dẫn chỉnh trang cơ sở vật chất, khai thác lợi thế hệ sinh thái ruộng bậc thang ở làng Ngàm Pốc, tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng ở bản Peo.
Công chức văn hóa xã Ngân Văn Sao cho hay, chính quyền xã còn phối hợp tổ chức dạy chữ Thái cho người dân, thành lập câu lạc bộ dân gian tập hợp các nghệ nhân trao truyền các làn điệu Khặp, kỹ năng sử dụng bộ gõ, các nhạc cụ dân tộc, tái hiện trò diễn dân gian, xây dựng hồ sơ đề cử và lễ hội Chá Mùn mới được công nhận di sản phi vật thể quốc gia.
Hệ sinh thái ruộng bậc thang ở xã Yên Thắng huyện Lang Chánh được chỉnh trang, tạo điểm đến thu hút khách du lịch. |
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lang Chánh Lữ Đức Chung trao đổi: Một số cán bộ trẻ đã qua đào tạo cơ bản có nguyện vọng về xã biên giới, vùng sâu, vùng xa công tác. Trên cơ sở đánh giá đội ngũ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa ra tập thể thảo luận, thống nhất; khoa học, công tâm triển khai điều động, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ.
Lang Chánh đã thực hiện nhiều đợt điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí đảm nhiệm chức danh chủ chốt không là người địa phương. Theo đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý có thêm cơ hội đào tạo, rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cùng thực hiện điều động, luân chuyển ngang các chức danh lãnh đạo; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo Nghị Định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Đây cũng là cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức hiểu biết thêm tình hình, thực tiễn các địa phương, tiếp tục rèn luyện, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm; tập hợp trí tuệ tập thể, phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành, có nhiều việc làm, sản phẩm cụ thể, tạo chuyển biến tích cực từ nền nếp công tác đến chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua ở địa phương; đồng thời tạo nguồn bổ sung, trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Liên thông đội ngũ cán bộ, công chức
Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong và giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương là nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên ở Thanh Hóa. Kế hoạch, các trường hợp chuyển đổi vị trí công tác được công khai tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; phương thức chuyển đổi vị trí công tác cũng đa dạng hơn. Ngoài chuyển đổi vị trí công tác trong bộ phận, phòng, ban, cơ quan, trong ngành, lĩnh vực, từ đơn vị này sang đơn vị khác, một số cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo lĩnh vực, địa bàn phân công phụ trách.
Hai năm qua, toàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.790 trường hợp; trong đó luân chuyển 376 cán bộ, công chức, viên chức quản lý, chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.414 công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác góp phần phòng, chống tham nhũng, giảm sức ỳ, tâm lý cục bộ, thân tộc.
Theo Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, chuyển đổi công tác từ xã này sang xã khác có ảnh hưởng đến kết quả công việc do công chức, viên chức gặp khó khăn về nơi ăn, ở, di chuyển, cần thời gian nắm bắt, hiểu rõ đặc điểm, địa bàn công tác, xáo trộn quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ của đơn vị sở tại.
Cán bộ luân chuyển giữ chức vụ chủ chốt ở Quan Hóa trao đổi với đại diện cơ quan cấp trên tháo gỡ khó khăn cho hộ tái định cư xen ghép, phòng tránh thiên tai. |
Nhiệm kỳ này, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện khâu đột phá về điều động, luân chuyển cán bộ. Đi đôi với kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, tạo thống nhất về nhận thức; công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Thanh Hóa được thực hiện theo một quy trình thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Nơi có cán bộ điều động, luân chuyển đến đều chấp hành tốt chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đoàn kết, đồng thuận, nhất trí cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ được điều động, luân chuyển phát huy năng lực, sở trường; mạnh dạn giao việc khó, việc mới để cán bộ có cơ hội cống hiến, trưởng thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
Kế thừa kết quả đạt được trong điều động, luân chuyển cán bộ các nhiệm kỳ trước, từ năm 2020 đến nay các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở ở Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển 1.621 lượt cán bộ để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, đào tạo qua thực tiễn. Điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định và liên thông trong công tác cán bộ.
Theo đó có thêm 76 cán bộ từ cơ quan cấp tỉnh được luân chuyển về cấp huyện, giữ các chức vụ chủ chốt; 58 đồng chí từ các huyện được điều động để bố trí giữ chức vụ trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Có 41 cán bộ lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển từ huyện này sang huyện khác; 130 đồng chí từ cấp huyện về xã và 107 đồng chí từ xã về huyện.
Có thêm ngôi nhà mới đang hoàn thiện, đem lại niềm vui cho người nghèo ở Thanh Hóa. |
Theo đánh giá của tập thể lãnh đạo, phần lớn cán bộ luân chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn. Nhiều đồng chí có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tín nhiệm, bổ sung vào cấp ủy, ban thường vụ, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn tại địa phương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Liên thông trong đội ngũ cán bộ góp phần đổi mới sâu sắc, toàn diện công tác cán bộ từ tỉnh đến cơ sở ở Thanh Hóa; thúc đẩy các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra.
Tác giả: Mai Luận
Nguồn tin: nhandan.vn