15 thành viên của hội đồng lên án vụ tấn công "nhằm vào những nạn nhân vì xu hướng tính dục của họ", theo Reuters. Văn bản này do Mỹ soạn thảo, nhưng không vấp phải sự phản đối từ những nước có quan điểm bảo thủ hoặc được cho là chống đồng tính như Nga hoặc các nước châu Phi và Hồi giáo.
"Nếu chúng ta cùng có chung sự phẫn nộ về việc giết chóc này, hãy cùng đồng lòng với một tiền đề cơ bản là tuân thủ những giá trị phổ quát cho mọi người, bất kể họ yêu ai, chứ không chỉ là lên án những kẻ khủng bố đã sát hại họ", Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc David Pressman phát biểu trước 193 nước tại Đại hội đồng ngày 13/6.
Người dân ở thành phố Boston tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở hộp đêm tại Orlando. Ảnh: Reuters
Đồng tính bị xem là tội hình sự ở ít nhất 74 quốc gia. Thảo luận về vấn đề này luôn gây ra những tranh cãi dữ dội tại Liên Hợp Quốc. "Đại hội đồng chỉ có một nghị quyết đề cập đến 'xu hướng tính dục' và 'bản dạng giới'", ông Pressman nói.
Hồi năm 2014, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon tuyên bố Liên Hợp Quốc sẽ công nhận mọi cuộc hôn nhân đồng giới giữa các nhân viên tại cơ quan này. Nga từng cố gắng chống quyết định này nhưng bất thành, dù được sự ủng hộ của 43 quốc gia, bao gồm Saudi Arabia, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ, Ai Cập, Pakistan và Syria...
Trong khi đó, giới chức Mỹ không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp nào giữa hung thủ tại Orlando với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và cho rằng hắn là phần cử cực đoan trong nước bị các nhóm Hồi giáo kích động.
Giám đốc FBI James Comey cho biết: “Tới nay chúng tôi chưa tìm được bằng chứng nào cho thấy vụ việc này là một âm mưu đã được chỉ đạo từ bên ngoài nước Mỹ. Chúng tôi cũng không thấy chứng cứ nào khẳng định kẻ xả súng là thành viên của một mạng lưới khủng bố. Chúng tôi cho rằng kẻ sát nhân này đã bị kích động ít nhất ở phần nào đó qua Internet”.
Tổng thống Barack Obama cũng cho hay không có bằng chứng rõ ràng cho thấy kẻ xả súng vào hộp đêm ở Orlando được IS chỉ đạo.
"Y đã tuyên bố trung thành với IS vào phút cuối nhưng đến nay không có bằng chứng nào cho thấy y thực sự bị IS chỉ đạo. Đây là một ví dụ về kiểu cực đoan tự phát trong nước mà tất cả chúng ta đều đã lo ngại", ông Obama nói.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cho biết cuộc điều tra về vụ thảm sát ở Orlando vẫn theo chiều hướng một hành vi khủng bố.
Rạng sáng 12/6, một kẻ có vũ trang đã gây ra vụ xả súng hộp đêm Pulse của người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ làm ít nhất 50 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Kẻ tấn công được xác định là Omar Mateen, 29 tuổi. Y được sinh ra tại New York nhưng cha mẹ là người gốc Afghanistan. Mateen nằm trong số những người thiệt mạng.
Theo cảnh sát, khoảng 320 người có mặt trong hộp đêm lúc vụ xả súng xảy ra. Đây được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất trên đất Mỹ kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Thị trưởng Buddy Dyer gọi đây là ngày “tồi tệ nhất lịch sử Orlando” trong cuộc họp báo chiều 12/6. Cảnh sát Mỹ đang điều tra vụ thảm sát như một vụ tấn công khủng bố.
Tác giả bài viết: Minh Anh
Nguồn tin: