Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/8, ông Phan Thanh Bình đã có những đóng góp thẳng thắn về những thành quả cũng như bất cập của ngành Giáo dục năm qua.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Nhìn tổng thể, ngành Giáo dục có những dấu ấn nhất định
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh với kết quả của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua. Theo ông Phan Thanh Bình, dù vẫn còn những vấn đề ngổn ngang nhưng giáo dục nước nhà, nhìn một cách tổng thể đã có những thành quả đáng tự hào.
Thứ nhất, kết quả giáo dục phổ thông tốt. Với số lượng học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 khoảng 20 triệu em, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực làm nhiều việc: Thực hiện đề án Ngoại ngữ đến năm 2020, nhìn nhận và chỉnh sửa mô hình VNEN, đưa STEM vào giáo dục, chuẩn bị chuyển đổi chương trình giáo dục phổ thông sang hướng tích hợp, quan tâm đến học sinh vùng dân tộc miền núi… Đặc biệt, việc đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia đã có bước tiến lớn, làm giảm áp lực xã hội và hoàn thành mục tiêu đánh giá kết quả các em học sinh sau 12 năm học.
“Kết quả PISA của Việt Nam rất cao, nhiều nước phải thắc mắc rằng tại sao chúng ta có kết quả đó. Tham dự Olympic quốc tế các môn văn hóa năm nay, Việt Nam cũng đạt được thành quả tốt nhất trong lịch sử thi đấu. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải nhìn thấy và tự hào với những thành quả đó”, ông Bình nhấn mạnh.
Thứ hai, công tác phân luồng trong giáo dục đã có độ chuyển biến. Dẫn ra những số liệu học sinh từ tiểu học (7,2 triệu) đến THCS (còn 5,8 triệu) khi vào THPT (chỉ còn 2,4 triệu), ông Phan Thanh Bình khẳng định, sự giảm này phần nào thể hiện hiệu quả của việc phân luồng. Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH thì khuynh hướng học sinh đi học nghề thay vì vào đại học cũng tăng lên, nhận thức xã hội bắt đầu chuyển biến.
Cuối cùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục đánh giá cao chủ trương đẩy mạnh tự chủ của giáo dục đại học. Theo ông, điều này khiến hệ thống giáo dục đại học nhận thức về chính mình rõ hơn, độ năng động của các trường cao hơn gắn với trách nhiệm giải trình và liên kết với doanh nghiệp. Việc kiểm định, đánh giá chất lượng và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học dần đi đúng quỹ đạo hơn.
Cơ chế quản lý giáo dục vẫn chưa thống nhất
Bên cạnh những lời khen dành cho ngành Giáo dục, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng thẳn thắng chỉ rõ những bất cập, hạn chế. Một trong số đó là cơ chế quản lý.
Theo ông Bình, Bộ trưởng là "tư lệnh của ngành Giáo dục" nhưng với Luật về tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền của các địa phương thì rõ ràng rằng Bộ trưởng chỉ quản lý kinh phí của Bộ GD-ĐT, Giám đốc sở chủ yếu nắm kinh phí của cấp THPT, Chủ tịch UBND quận, huyện thì nắm kinh phí từ cấp THCS trở xuống.
"Sự chia cắt khiến cho khó có sự thống nhất, thông hiểu lẫn nhau trong tài chính. Bên cạnh đó là vấn đề nhân sự, khi tất cả giáo viên là viên chức, hợp đồng làm việc với Nhà nước, do đó được điều chỉnh bằng Luật Viên chức, nhưng việc tuyển dụng lại chủ yếu do Bộ và Sở Nội vụ. Như vậy là chưa thống nhất ở việc quản lý", ông Bình phân tích.
Về giáo dục phổ thông, ông Bình cho rằng: “Có lẽ phải đặt ra là muốn cái gì từ chương trình giáo dục phổ thông này? Với nguyên tắc là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài thì nên tập trung ở đâu?".
Đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết năm học. |
Theo ông Bình, nên hướng về đào tạo nguồn nhân lực, dùng cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, giúp hội nhập quốc tế khi khoa học công nghệ và công nghệ thông tin đang đi rất sâu vào trong mọi lĩnh vực. Chúng ta phải nhận thức nguồn lực ở đâu và tập trung ở chỗ nào? Đồng thời, với 20 triệu học sinh thì Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể thống kê được chúng ta cần bao nhiêu giáo viên, có quy hoạch để đảm bảo quy hoạch phù hợp, tránh thừa – thiếu cục bộ.
Về giáo dục đại học, ông Bình cho rằng, tự chủ phải là là tự chủ thực sự. “Phải trao cho trường một năng lực đúng với trí tuệ và sự tập trung trình độ ở đại học, chứ không phải tự chủ chỉ là vấn đề trách nhiệm.
“Vì mật độ những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tập trung ở các trường đại học rất cao. Chúng ta cần tạo mọi điều kiện cho lực lượng này phát triển, cần nhìn đúng bản chất của tự chủ đại học và tạo điều kiện để phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho đất nước”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình lưu ý.
Nên để các trường đại học tự chủ tuyển sinh!
Theo ông Phan Thanh Bình, việc lấy kết quả thi phổ thông xét vào đại học khó chính xác vì bản chất của hai kỳ thi vốn không giống nhau. Do đó, nên để các trường ĐH,CĐ tự chủ tuyển sinh.
“Đối với kỳ thi THPT quốc gia, hiện nay chúng ta đang nói kỳ thi này đáp ứng 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, nhưng tôi cho rằng thi phổ thông là để công nhận tốt nghiệp của học sinh sau 12 năm học, còn việc tuyển sinh là việc của các trường đại học. Tùy theo yêu cầu, đặc thù của mình mà trường có cách tuyển phù hợp”, ông Bình quan điểm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hộ, chúng ta lấy két quả thi phổ thông để áp vào xét tuyển đại học sẽ khó. “Vì thi phổ thông là để đánh giá đa số, thì đa số các em sẽ được 27- 30 điểm, rồi cộng điểm nữa thì mức điểm chuẩn lên tới 30 điểm là chuyện bình thường. Chúng ta đang lấy phổ thông áp vào thi đại học. Trong khi đó tuyển sinh đại học là tuyển những em có năng lực phù hợp nhất với từng ngành nghề", ông Bình nhận xét.
Tác giả: Lệ Thu (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí