Thí sinh gian lận trong đăng ký sẽ bị mất cơ hội xét tuyển
Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng được phép tối đa của từng đợt xét tuyển, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu ĐKXT (mẫu được thiết kế cho nhóm GX). Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm (ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 2, 3 hoặc 4 trường khác nhau trong nhóm nhưng mỗi trường không quá 2 nguyện vọng). Thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX.
Tuy nhiên, nếu thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào trường ngoài nhóm. Nguyên tắc xét tuyển là nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả thi (đã tính quy đổi về điểm xét) của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.
Thí sinh có thể đăng ký theo trường nguyện vọng 1 (trực tuyến hoặc gửi phiếu ĐKXT qua đường bưu điện), thí sinh cũng có thể nộp trực tiếp phiếu ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.
Thí sinh ra về sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
Trước lo ngại rằng, một thí sinh có thể đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ GD-ĐT để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ hoàn toàn có thể kiểm soát được gian lận trên bằng phần mềm tuyển sinh.
Việc kiểm soát thí sinh nộp quá quy định là làm được bằng giải pháp công nghệ thông tin. Vì vậy, thí sinh bằng nhiều con đường như đăng ký trực tiếp, qua bưu điện có thể sẽ nộp đơn vào nhiều trường hơn quy định nhưng dữ liệu của thí sinh sẽ không nhập vào hệ thống được nếu quá nguyện vọng so với quy định.
Khi đưa ra chính sách, Bộ GD-ĐT phải tính phần kỹ thuật có làm được không. Việc thành lập nhóm tuyển sinh, phần mềm của Bộ đều điều chỉnh và khống chế được. Thí sinh không nên gian dối vì làm như vậy các em sẽ đánh mất cơ hội xét tuyển của mình.
Theo dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ có hai mẫu đăng ký xét tuyển, một mẫu của Bộ GD-ĐT dùng chung có các trường, một mẫu của các trường tuyển sinh theo nhóm. Vì vậy, thí sinh không nên gian dối trong việc đăng ký tuyển sinh.
Mặc dù Bộ GD-ĐT khẳng định như trên nhưng ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi là trường thành viên tham gia nhóm GX cho rằng, để giúp các trường ĐH sàng lọc được thí sinh “ảo” và sự gian lận của thí sinh khi vừa đăng ký xét tuyển vào nhóm GX, vừa đăng ký vào trường ngoài nhóm, phần mềm tuyển sinh của nhóm GX và phần mềm kiểm soát tuyển sinh các trường ĐH của Bộ GD-ĐT phải hoạt động thông suốt.
Tuyển sinh theo nhóm là quyền tự chủ của các trường ĐH
Cho đến nay, có 12 trường ĐH tham gia thực hiện xét tuyển theo nhóm. Việc tuyển sinh theo hình thức này là một giải pháp mới nhằm giảm thiểu lượng thí sinh “ảo”, hoàn toàn do tinh thần tự nguyện của các trường, Bộ GD-ĐT không bắt buộc.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Bộ GD-ĐT không có quy định trường ĐH xếp loại tốp nào mới được phép đăng ký tuyển sinh theo nhóm. Như vậy, bất kỳ một trường ĐH nào cũng có thể đăng ký tuyển theo nhóm, chứ không phải nhóm chỉ toàn trường tốp trên riêng, tốp giữa riêng, tốp dưới riêng.
Nếu việc tuyển sinh theo nhóm có nhiều trường ở các thứ bậc xếp hạng khác nhau cùng tham gia thì sẽ giúp cho thí sinh lựa chọn trường, ngành học dễ dàng hơn. Ví dụ như khi thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ở cùng một ngành Công nghệ thông tin, nếu không trúng tuyển những trường tốp trên thì có thể trúng tuyển trường tốp giữa, tốp dưới.
Bộ GD-ĐT khuyến khích nhiều trường tham gia tuyển sinh theo nhóm để việc đăng ký xét tuyển của thí sinh được thuận lợi và giúp các trường ĐH sàng lọc được lượng thí sinh “ảo”. Việc tham gia nhóm xét tuyển hoàn toàn dựa vào tinh thần tự nguyện, việc tự chủ tuyển sinh của các trường.
Nhấn mạnh vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa- đơn vị chủ trì thực hiện việc tuyển sinh theo nhóm cho biết, các trường tuyển sinh theo nhóm GX được đảm bảo tự chủ tuyển sinh như việc các trường có quyền quyết định có vào nhóm GX hay không. Các trường ĐH khác cũng như Bộ GD-ĐT không thể đưa ra quy định bắt buộc họ phải tham gia vào nhóm GX.
Tuy nhiên, khi đã chấp nhận đăng ký tuyển sinh theo nhóm, các trường phải tuân thủ một số quy định cụ thể như: chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia, sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì quản lý, áp dụng chung cách tính điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành. Phương thức xét tuyển này được thực hiện cho xét tuyển đợt 1 và tiếp tục cho các đợt xét tuyển bổ sung theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (theo tình hình tuyển sinh của các trường).
Việc công bố điểm thi, xét tuyển ĐH năm 2016 đang được thí sinh chờ đợi, đếm từng ngày, từng giờ. Phần mềm thông suốt, không bị tắc nghẽn để thí sinh tra cứu điểm thi, đăng ký xét tuyển vào ngành, trường học phù hợp là mong muốn chính đáng của tất cả thí sinh. Tuy nhiên, vấn đề này có được Bộ GD-ĐT và nhóm GX thực hiện được hay không vẫn còn là sự chờ đợi.../.
Tác giả bài viết: Bích Lan