Thông cáo được Lầu Năm Góc công bố giữa lúc tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc tiếp tục có các hành vi quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 16/8 cho biết tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống Trung Quốc đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ hôm 13/8.
Đi ngược lại cam kết tại Đối thoại Shangri-La
"Vừa qua, Trung Quốc đã tái diễn hành vi can thiệp mang tính cưỡng ép đối với các hoạt động dầu khí đã tồn tại từ lâu của Việt Nam trên Biển Đông, trực tiếp đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình", thông cáo của Lầu Năm Góc ngày 26/8 khẳng định.
"Các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều đảm bảo an ninh chủ quyền, không chịu sự cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế song song với tuân thủ các luật lệ và quy tắc đã được quốc tế thừa nhận", thông cáo nhấn mạnh.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc. |
Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh cáo việc Trung Quốc "tiếp tục chiến thuật bắt nạt", quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông sẽ khiến nước này "không thể giành được niềm tin của các nước láng giềng lẫn sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế".
"Chiến thuật của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các bên tranh chấp trong ASEAN, triển khai đồn trú các hệ thống quân sự tấn công, và thực thi tuyên bố hàng hải trái pháp luật sẽ làm tăng những hoài nghi nghiêm trọng về uy tín của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ.
Hành vi đe dọa hòa bình Biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8 cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Cơ quan này cho rằng việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ, được hộ tống với tàu có vũ trang, ở ngoài khơi Việt Nam vào ngày 13/8 là "một động thái leo thang". Washington lo ngại động thái này là "nỗ lực nhằm hăm dọa các bên còn lại không phát triển tài nguyên trên Biển Đông".
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực, gây ra thiệt hại kinh tế đối với các nước Đông Nam Á bằng cách chặn quyền tiếp cận của họ với nguồn tài nguyên chưa được khai thác trị giá gần 2.500 tỷ USD. Điều này cho thấy Trung Quốc không tôn trọng quyền lợi của các nước được tiến hành hoạt động kinh tế ở EEZ, trong khuôn khổ Công ước về Luật Biển 1982 vốn đã được Trung Quốc phê chuẩn vào năm 1996.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Bà Hằng cũng yêu cầu phía Trung Quốc "không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực".
Bà Hằng cho biết các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà cũng đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy “tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.
Tác giả: Thanh Danh
Nguồn tin: zing.vn