Hơn 4h ngày 12/10, tại Trạm bơm thủy lợi Quang Hoa, xã Xuân Minh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), một đoạn đê sông Cầu Chày bị vỡ.
Bộ đội đang gia cố đoạn đê vỡ. Ảnh: Lam Sơn. |
Phát hiện sự cố, UBND tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 923 và lực lượng tại chỗ tham gia cứu hộ. Quân khu 4 cũng điều quân về hỗ trợ cứu đê.
“Đây là đoạn đê vừa được đắp lại, nền vẫn còn yếu, cộng với việc đang thi công trạm bơm thủy lợi nên khi nước to, đã ăn vào thân đê dạng hàm ếch”, ông Lê Huy Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, lý giải.
Trước tình huống khẩn cấp, lực lượng cứu hộ đê đã lao cả một chiếc máy xúc xuống để chặn lực đẩy dòng nước, sau đó đóng cọc tre chèn bao tải đất đá lên trên. Sau gần 3 giờ, đoạn đê đã được hàn khẩu. Quân đội đang tiếp tục gia cố.
Hàng nghìn bộ đội, dân quân, công an được huy động vá đê sông Cầu Chày sáng 12/10. Ảnh: Lam Sơn. |
Theo chính quyền địa phương, nếu sự cố không được kịp thời khắc phục, hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ở 7 xã phía hạ lưu sông Cầu Chày sẽ bị ảnh hưởng.
Do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và đới gió đông trên cao, từ ngày 9 đến 12/10, Thanh Hóa có mưa to. Lượng mưa tại Bái Thượng tới 536 mm, Yên Định 421, mức cao kỷ lục nhiều năm, khiến lũ tất cả sông ở Thanh Hóa lên cao, đều ở báo động 3 - mức nguy hiểm nhất.
Toàn tỉnh có 12 người chết, 3 người mất tích, hàng nghìn nhà dân đang bị ngập do mưa lũ.
Bản đồ mưa từ 9 đến 12/10. Đồ họa: Việt Chung. |
Tác giả: Lê Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress