Giáo dục

Làm sao giúp trẻ khuyết tật nâng cao kỹ năng giao tiếp

Với trẻ khuyết tật trí tuệ, kỹ năng giao tiếp (KTTT) KNGT rất hạn chế. Vậy làm thế nào để giúp trẻ KTTT phát triển được KNGT? Những kinh nghiệm của TS Hồ Sỹ Hùng - Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) sẽ giải đáp câu hỏi này.

Tổ chức hoạt động học trên lớp

Biện pháp này giúp giáo viên (GV) sắp xếp các KNGT cần phát triển cho trẻ KTTT 5 - 6 tuổi một cách thống nhất và khoa học, tạo điều kiện đưa nội dung phát triển KNGT vào các hoạt động một cách thường xuyên, liên tục, từ đó giúp GV chủ động lựa chọn các KNGT cần phát triển cho trẻ KTTT phù hợp với đặc điểm cá nhân và mức độ KTTT ở trẻ gắn với các chủ đề và các hoạt động trong ngày ở lớp mẫu giáo hòa nhập.

Trước tiên cần lồng ghép chương trình giáo dục hòa nhập vào các chủ đề giáo dục phù hợp với chương trình giáo dục mầm non hiện hành và chú ý tới môi trường lớp học hòa nhập. Ưu tiên các nội dung phát triển các KNGT cho trẻ vào các chủ đề liên quan đến khám phá các vấn đề mang tính xã hội như các chủ đề về trường lớp mầm non, gia đình, bản thân… Các chủ đề này sẽ tạo nhiều cơ hội kích thích trẻ KTTT tham gia và thể hiện các KNGT của mình.

Sau đó lập kế hoạch tổ chức các hoạt động giúp thực hiện nội dung phát triển KNGT cho trẻ KTTT. Trên cơ sở dự kiến nội dung phát triển KNGT cần đưa ra các chủ đề giáo dục, GV lựa chọn các nhóm KNGT để lập kế hoạch tổ chức hoạt động phù hợp với thực tế và khả năng của trẻ trên lớp...

Tạo môi trường thuận lợi cho trẻ

Tạo môi trường thuận lợi để trẻ KTTT thực hiện các KNGT cần chú ý đến cả môi trường vật chất và môi trường tâm lí.

Về môi trường vật chất, cần xây dựng môi trường hoạt động phong phú và phù hợp với đặc điểm cá nhân trẻ và mức độ KTTT. Người GV cần bố trí và tổ chức môi trường cho trẻ chơi và hoạt động, GV cần tính đến yếu tố như: Không gian thực tế của trường; mục đích tổ chức các hoạt động; các yếu tố an toàn của trẻ; đảm bảo sự linh hoạt để thay đổi mục đích giáo dục cũng như theo các chủ đề.

Các góc chơi cần bố trí không gian phù hợp thuận lợi cho việc đi lại của trẻ KTTT, khuyến khích trẻ cùng hoạt động, giao tiếp qua lại với các nhóm chơi tạo điều kiện cho trẻ thể hiện các KNGT qua vai chơi một cách phù hợp.

Ở các góc chơi, góc hoạt động, GV nên bố trí và sắp xếp đồ chơi cần có sự đa dạng mang tính mở, luân chuyển và đổi mới tạo cho trẻ KTTT thấy sự mới lạ, hấp dẫn kích thích trẻ hoạt động tích cực, tăng cường sự giao tiếp giữa các trẻ trong lớp.

Về môi trường tâm lý, sắp xếp các phương tiện như đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh, trang trí gần gũi với trẻ để tạo cho trẻ có được cảm giác được là một thành viên của lớp. Điều đó đem lại sự tự tin, phấn khởi, hứng thú, chia sẻ với bạn cùng chơi qua đó kích thích trẻ hoạt động tích cực, khơi gợi ở trẻ nhu cầu giao tiếp với mọi người. Từ đó GV có thể phát triển thêm các KNGT phù hợp với trẻ, trẻ tương tác với bạn là cơ hội để rèn luyện và phát triển các KNGT.

Sử dụng các tình huống có vấn đề

Tình huống nhằm phát triển các KNGT cho trẻ phải được xây dựng một cách khoa học và phù hợp với trẻ KTTT. Ở mỗi tình huống có vấn đề GV kết hợp giao nhiệm vụ cụ thể để yêu cầu trẻ thực hiện các KNGT. Như vậy trẻ KTTT sẽ cảm thấy mình có vai trò quan trọng, trẻ sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn, khi nhiệm vụ được hoàn thành, trẻ sẽ thấy tự tin và thấy được vai trò của mình, lúc đó trẻ sẽ chia sẻ với những người xung quanh, trẻ có được sự trải nghiệm bằng chính sự nỗ lực của mình.

Nếu GV thấy trẻ KTTT còn kém kỹ năng nào trong các nhóm kỹ năng cần rèn luyện và phát triển cho trẻ, thì cần lập kế hoạch cụ thể, có các tình huống này gắn với các chủ đề chơi, hay thông qua các hoạt động khác nhau ở trường mầm non.

Khi trẻ KTTT đã nhập vai, biết thực hiện theo yêu cầu của hoạt động, GV nên đưa ra các tình huống, hoàn cảnh chơi mới mở rộng nội dung chơi giúp trẻ có cơ hội hành động trong mối quan hệ khác nhau.

Ví dụ: Mẹ chăm sóc con, kể chuyện, hát ru con hoặc đóng vai người tổ chức sinh nhật cho con… qua đó trẻ tham gia vào hoàn cảnh chơi mới và thể hiện các KNGT.

Lấy trò chơi luyện kỹ năng giao tiếp

Trò chơi có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của trẻ KTTT. Thông qua việc tổ chức các trò chơi giúp trẻ được thực hành, luyện tập các KNGT mà trẻ đã được hình thành qua các hoạt động khác nhau trong lớp mẫu giáo hòa nhập. Bên cạnh đó với việc tổ chức các trò chơi phát triển KNGT cho trẻ KTTT cũng là cơ hội cho trẻ được trải nghiệm sống của bản thân đặc biệt là thông qua trò chơi đóng vai.

Trẻ KTTT 5 - 6 tuổi đã biết quan sát các vai chơi mà trẻ đảm nhận, do đó với tư cách là người bạn cùng chơi với trẻ, GV sẽ là người quan sát và khuyến khích trẻ nhập vai và thể hiện những KNGT được thể hiện trong nội dung các vai mà mình đảm nhận.

Qua các vai chơi, GV chú ý luyện tập cho trẻ các KNGT bằng cách mở rộng chủ đề chơi, trò chơi với những hoàn cảnh chơi mới. Đồng thời trong cùng một trò chơi GV có thể đưa ra những lời gợi ý phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ được đổi vị trí của vai chơi và giúp trẻ luyện tập các KNGT nhất là kĩ năng nào mà trẻ đang gặp phải khó khăn.

Về môi trường tâm lý, sắp xếp các phương tiện như đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh, trang trí gần gũi với trẻ để tạo cho trẻ có được cảm giác được là một thành viên của lớp. Điều đó đem lại sự tự tin, phấn khởi, hứng thú, chia sẻ với bạn cùng chơi qua đó kích thích trẻ hoạt động tích cực, khơi gợi ở trẻ nhu cầu giao tiếp với mọi người.

Tác giả: Hiền Anh

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok