Nhiều giáo viên nhận định, đề thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay chưa có sự sáng tạo, hấp dẫn. Ảnh: Q.Anh |
Tạm giữ thầy giáo “tuồn” đề thi ra ngài
Ngày 8/6, thông tin về vụ việc thầy giáo Nông Hoàng Phúc - cán bộ coi thi đã chụp đề thi môn Toán và truyền ra ngoài, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, cơ quan chức năng đang tạm giữ thầy giáo làm lọt đề thi ra bên ngoài để điều tra. Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Sở đã xác định được đây là giáo viên được điều động coi thi thay cho một giáo viên bị ốm. Giáo viên này đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp ảnh đề thi gửi cho một đồng nghiệp ở cùng trường. Vụ việc này đang được Sở tiếp tục phối hợp với Công an thành phố tiếp tục điều tra mở rộng.
Chiều ngày 7/6, khi buổi thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10-THPT năm học 2018-2019 diễn ra được 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện đề thi môn này bằng bản chép tay và bản chụp. Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với công an TP Hà Nội và đã xác minh được giáo viên Nông Hoàng Phúc - Trường THCS Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là cán bộ coi thi mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi, truyền ra ngoài tại điểm thi Trường THPT Vân Nội. Cán bộ coi thi này còn khai nhận đã chụp cả đề thi môn Ngữ văn buổi sáng qua (7/6).
Trước đó, vào buổi sáng 7/6, đề thi môn Ngữ văn cũng bị "lọt" ra ngoài. Sau khi tính giờ làm bài khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Ngữ văn. Hình ảnh này lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, trong khi thí sinh đang miệt mài làm bài trong phòng thi, bên ngoài các bậc phụ huynh đã truyền tay nhau xem hình ảnh đề thi, lo lắng về tính công bằng trong kỳ thi. Điều đáng nói, kết thúc buổi thi Ngữ văn, đề trên mạng giống 100% đề thi chính thức của thí sinh.
Về hướng xử lý sự cố và xem xét có phải tổ chức thi lại hay không, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho hay, trường hợp nếu phát hiện việc lọt đề thi ở chỗ nào thì sẽ xử lý nghiêm ở địa điểm đấy theo quy chế, tùy theo mức độ ảnh hưởng đến đâu. Còn xác minh rõ rồi thì xử lý theo quy chế thi của Bộ GD&ĐT, hoặc hủy kết quả hoặc xử lý theo quy chế của Bộ GD&ĐT. “Đây là hiện tượng để lọt đề thi. Việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các thí sinh. Sở đang tiếp tục phối hợp với Công an thành phố để điều tra mở rộng”, ông Lê Ngọc Quang cho biết.
Đề thi thiếu sáng tạo và sự ổn định
Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội được lan truyền trên mạng xã hội trong khi thời gian làm bài còn 60 phút nữa. |
Không chỉ có sự cố “lọt” đề thi ra bên ngoài, kỳ thi vào lớp 10 THPT Hệ không chuyên tại Hà Nội cũng kết thúc với nhiều dư âm hơn so với các năm trước, tâm điểm chú ý hướng vào nội dung đề thi. Theo ghi nhận tại một số điểm thi, nhiều thí sinh sau khi kết thúc môn thi đều cho rằng đề thi không quá khó, kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, cả phụ huynh và thí sinh vẫn thấp thỏm lo bởi thông tin lộ đề, đặc biệt là năm nay tỷ lệ “chọi” phổ biến ở các trường là khá cao. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong bài cũng có thể dẫn đến mất điểm, khó có thể cạnh tranh với các thí sinh khác.
Nhiều giáo viên nhận định, kiến thức trong đề thi môn Ngữ văn, Toán khá cơ bản. So với đề thi năm 2017 và các năm trước, đề thi môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc nội dung cũng như cách phân bố điểm cho từng phần. Mỗi phần đều có sự tích hợp giữa kiến thức của tác phẩm Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn. Nếu như phần I (6,0 điểm) là các câu hỏi yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức, riêng câu 4 có điểm số lớn nhất của đề thi buộc thí sinh phân tích kỹ nội dung đoạn thơ, thực hiện các yêu cầu phụ về hình thức đoạn văn và các yêu cầu Tiếng Việt đi kèm. Ở phần II, câu Nghị luận xã hội của đề yêu cầu bàn về vai trò của gia đình. Đây là chủ đề rất quen thuộc với các thí sinh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đề Ngữ văn năm nay khá “nhàm”, thiếu đi sự hấp dẫn của một đề Văn “mở”. TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định, đề thi không có vấn đề, rất vừa sức, rất quen thuộc, không đánh đố. “Đề “không có vấn đề” vì nó quen thuộc không thay đổi từ cấu trúc 6/4 tới kiểu dạng câu hỏi. Nhưng tư duy ra đề “rất có vấn đề” chính ở sự lặp lại ấy: Lặp lại yêu cầu các câu hỏi trong 2 phần của đề; lặp lại dạng đề ấy trong suốt bao năm nay. Tôi cho rằng, mỗi đề văn phải khơi thức cho trò một điều gì đó mới mẻ, vừa trí tuệ vừa nhân văn, nhưng với kiểu đề bất biến thế này, trò sẽ nhàm chán khi làm bài, thầy sẽ biếng lười khi luyện - dạy”, TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.
Đưa ra kết luận “Đề không có yếu tố mới lạ, nặng về kiểm tra kiến thức hàn lâm’’ đối với đề thi môn Toán, tổ Toán - Hệ thống giáo dục Hocmai.vn (bao gồm các giảng viên, giáo viên Toán) đưa ra nhận xét: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2018 - 2019 không có sự đột phá trong cách thức ra đề thi so với các năm trước. Trong khi, tính độc đáo gắn liền với thực tiễn là nét phổ quát của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của TPHCM thì tính ổn định lâu dài, nặng về kiểm tra kiến thức Toán học của đề Hà Nội lại là yếu tố ít gây được sự ấn tượng với dư luận.
Ban Chỉ đạo Kỳ thi lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 TP Hà Nội cho biết, đã điều động 10.030 cán bộ giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ coi thi, điều hành kỳ thi. Thành phố đã thành lập Ban Vận chuyển bàn giao đề thi với 9 đoàn và 5 đoàn kiểm tra an ninh, đảm bảo công tác coi và trông đề thi. Trong các ngày thi, có 15 đoàn thanh tra lưu động đến các điểm thi để thanh tra việc tổ chức, chỉ đạo các điểm thi, coi thi. Cùng với 400 thanh tra di động, Ban Chỉ đạo huy động 400 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi. |
Tác giả: QUANG ANH
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại