Ảnh minh họa |
Không nghỉ khi phụ huynh cần
Tìm nơi gửi con trong những ngày nghỉ hè là nhu cầu bức thiết của các bậc phụ huynh, đặc biệt với những gia đình có con trong lứa tuổi mầm non. Không chỉ riêng các trường mầm non khu vực thành thị mà các trường mầm non khu vực nông thôn hiện nay nhu cầu gửi trẻ dịp hè là một nhu cầu lớn và có thực.
Phần lớn các bậc phụ huynh cho rằng, nơi đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập, vui chơi dịp hè cho trẻ mầm non không đâu khác chính là ngôi trường nơi các con theo học. Các giáo viên mầm non vì lý do này mà cũng tự nguyện rút ngắn tối đa những ngày nghỉ theo chế độ để nhà trường có thể mở rộng cửa đón và trông giữ các con để cha mẹ chúng yên tâm công tác.
Thông thường, trường mầm non tổng kết năm học vào cuối tháng 5, các trường mầm non có thể tổ chức giữ trẻ theo yêu cầu của phụ huynh sau đó khoảng 2 tuần. Song trên thực tế, nhiều trường mầm non chỉ thực sự nghỉ từ 3 – 5 ngày và mở cửa trở lại để đón học sinh theo yêu cầu của phụ huynh.
Bà Đặng Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chu Văn An (quận Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: “Sau khi thống kê nhu cầu gửi trẻ dịp hè của các bậc phụ huynh, nhà trường đã chú ý sắp xếp để giáo viên có thời gian nghỉ hợp lý. Giáo viên nhà trường được nghỉ hè chu đáo để hồi phục sức khỏe trong 1 tháng và tham gia dạy hè theo hình thức luân phiên. Tuy nhiên, nếu giáo viên nào, do điều kiện không tham gia dạy hè thì nhà trường sẽ bố trí để họ nghỉ theo đúng quy định.”
Theo quy định chung, đối với hoạt động giữ trẻ trong hè, các trường mầm non phải thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ như trong năm học. Không tự ý cắt xén các yêu cầu khi tổ chức lịch sinh hoạt của trẻ. Trong đó, chú ý đến chế độ dinh dưỡng, cân nhắc để thỏa thuận với phụ huynh về chế độ đóng góp tiền ăn bảo đảm dinh dưỡng. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các hoạt động thể dục ngoài trời cho trẻ.
Bà Bích Hạnh cho biết thêm: “Trường Mầm non Chu Văn An mỗi dịp hè thường có ít nhất 30% học sinh/tổng số học sinh toàn trường theo học, tương đương khoảng trên 300 trẻ. Đây là một nhu cầu không hề nhỏ, vì vậy đòi hỏi nhà trường phải vận hành các hoạt động, phục vụ như trong năm học.”
Cống hiến và thu nhập
Có thể thấy, một trong những áp lực gây căng thẳng nhất cho giáo viên mầm non chính là thời gian làm việc kéo dài (10 - 12 tiếng/ngày), không ngơi nghỉ bên cạnh những áp lực về thu nhập, chăm sóc trẻ khó khăn, chưa được xã hội thực sự coi trọng...
Áp lực này cũng không ngoại trừ các giáo viên mầm non tham gia giữ trẻ trong hè. Học phí hè được thu theo thỏa thuận với phụ huynh trên nguyên tắc trả lương cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải làm thêm ngoài biên chế theo quy định.
Nhiều trường do lượng giáo viên mỏng nên để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trong hè của các bậc phụ huynh, Ban Giám hiệu nhà trường phải bố trí cho giáo viên nghỉ luân phiên thành nhiều đợt để vừa có thể vận hành công việc chung, vừa đảm bảo quyền lợi tối thiểu cho giáo viên.
Tuy vậy, dù với ý nghĩa “tạo điều kiện” cho giáo viên tăng thu nhập nhưng nhiều hiệu trưởng cho biết, nguồn thu của giáo viên hoàn toàn phụ thuộc vào lượng trẻ đăng ký sinh hoạt tại trường dịp hè, do vậy thu nhập của giáo viên không ổn định, thông thường duy trì ở mức bằng thậm chí thấp hơn trong năm học.
“Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các giáo viên, nhà trường đã cho giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia dạy hè trên cơ sở thu xếp điều kiện cá nhân. Tuy là một trường mầm non ở khu vực thành thị nhưng trên cơ sở cân đối các khoản thu chi, thu nhập do “làm thêm” ngoài quy định của giáo viên mầm non còn khá bèo bọt so với các ngành nghề khác và các cấp học khác” - Bà Đặng Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chu Văn An (quận Tây Hồ - Hà Nội) cho hay.
Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Ngần - trưởng khối mầm non 5 tuổi, trường Mầm non xã Hồng Thái (Kiến Xương – Thái Bình): “Là một trường ở khu vực nông thôn nhưng dịp hè lượng trẻ đến trường vẫn đạt trên 50%. Giáo viên được khuyến khích tham gia giữ trẻ trong hè vì lực lượng giáo viên của nhà trường vốn mỏng. Các khoản thu dịp hè cũng chỉ tăng khoảng hơn 100.000 đồng/trẻ so với trong năm học và giáo viên được bố trí thay phiên nhau theo lớp và nhận lương theo ngày công lao động. Do vậy, thu nhập của giáo viên dịp hè cũng gần như không được cải thiện”.
Chấp nhận không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn, vẫn với thời gian và điều kiện làm việc đặc thù như trong năm học…. Mặc dù giáo viên mầm non luôn làm việc theo tinh thần yêu nghề, mến trẻ, cảm thông và cống hiến thì tâm lý chung vẫn mong mỏi được xã hội quan tâm hơn, được nhận đồng lương xứng đáng hơn, để cuộc sống với bớt đi những nhọc nhằn.
Tác giả: Kim Thoa
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại