Ảnh minh họa/internet |
Cách để học sinh vâng lời cũng không còn từ dùng quyền lực. Quan niệm về quản lý hành vi lớp học đã thay đổi, nhưng không ít giáo viên, lãnh đạo nhà trường vẫn chưa thấm điều này.
Một quan điểm đã rất cũ của cả giáo viên và cán bộ quản lý ở trường học vẫn tồn tại hiện nay được TS Tâm lý học Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) chỉ ra: Thầy cô giáo phải kiểm soát được mọi sự việc diễn ra trong lớp. Lãnh đạo nhà trường đánh giá lớp học qua việc giữ được trật tự, học sinh luôn ngồi ngay ngắn…
Chính bởi vậy mới có chuyện, khi hiệu trưởng đi qua, một học sinh không nghiêm túc, giáo viên buộc phải sử dụng biện pháp mạnh để có thể dừng ngay lập tức việc đó lại nên mới có hành vi bột phát. Nhiều khi cô giáo biết làm vậy là không tốt, nhưng vẫn phải làm vì không có cách nào khác. Cách làm đó quả có hiệu quả trong ngắn hạn thật, hành vi ngỗ nghịch dừng lại luôn thật, nhưng hậu quả lại là vòng luẩn quẩn với môi quan hệ ngày càng xấu đi giữa thầy và trò.
Trong khi đó, giáo dục đã quá khác trong kỷ nguyên công nghệ và internet. Học trò không phải đến lớp để chỉ nghe cô truyền đạt tri thức vì những điều đó các em có ngay chỉ bằng cú click chuột. Lớp học im phăng phắc không còn là lớp học hiệu quả vì các em cần trao đổi, tranh luận và phát huy sự sáng tạo.
“Giá trị của người giáo viên, bởi vậy mà cũng cần được nhìn nhận của khía canh khác, đó là người đưa đường hướng, phương pháp, người huấn luyện viên. Muốn giành huy chương, vận động viên phải tự luyện tập; nhưng không có huấn luyện viên thì không thể có vận động viên đoạt được huy chương vàng. Tương tự, không có người thầy, đứa trẻ khó có thể chuyển biến kiến thức bên ngoài thành năng lực tự thân” - TS Trần Thành Nam cho hay.
Tác giả: Hiếu Nguyễn
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại