Trong tỉnh

Kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa nóng vấn đề ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, rác thải sinh hoạt tại các địa phương , xử lí nước thải của các nhà máy…là những vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm và chất vấn tại kì họp HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Ô nhiễm môi trường đáng báo động

Sáng 12/12, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, tại phiên chất vấn Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Quy, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, các đại biểu đã chất vấn những vấn đề như tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động tại các làng nghề; công suất xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương không đáp ứng nhu cầu; hệ thống kênh Bắc thuộc sông Nông Giang – kênh chính đập Bái Thượng bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, là tình trạng khai thác cát tại khu vực giáp ranh giữa huyện Quan Hóa và tỉnh Hòa Bình vẫn diễn ra khiến người dân bức xúc.

Kì họp HĐND tỉnh Thanh Hóa thứ 11

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa tại kỳ họp, toàn tỉnh hiện chỉ có 1/7 khu công nghiệp; 1/71 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải, rác thải hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Đào Trọng Quy cho biết, hiện nay Thanh Hóa đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng về công nghiệp nên không thể tránh khỏi những mặt trái.

Liên quan đến vấn đề xử lí nước thải tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ông Quy cho hay, dù chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng Bộ TN-MT và UBND tỉnh đều có tổ công tác đặc biệt. Nước thải thường xuyên được quan trắc, đạt tiêu chuẩn mới thải ra môi trường. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa cần kêu gọi các nguồn vốn Trung ương, ODA để đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các làng nghề bị ô nhiễm, không còn cách nào khác là phải xây dựng các khu chế biến tập trung. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước sinh hoạt trên kênh Nông Giang, tương lai cần phải có đường ống kín từ huyện Thường Xuân về để lấy nước cung cấp cho các nhà máy nước sạch xử lý. Bởi lẽ, huyện Thường Xuân là địa phương có môi trường sinh thái tốt nhất tỉnh hiện nay.

Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TNMT Thanh Hóa

Theo Giám đốc Sở TNMT tỉnh, hiện nay, tình hình nước thải công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn đang ổn nhưng vẫn phải chịu ô nhiễm môi trường khói bụi và tiếng ồn.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu, ông Quy cho rằng: “Các làng nghề, đặc biệt là chế biến thủy, hải sản tại Hải Thanh, Hải Bình huyện Tĩnh Gia ô nhiễm kinh khủng luôn. Kênh Nông Giang rất ô nhiễm. Khai thác cát khu vực giáp ranh Thanh Hóa, Hòa Bình vẫn xảy ra.

Ông Đào Trọng Quy cho biết thêm, Thanh Hóa có trên 4.000 cơ sở SXKD, doanh nghiệp. Trong khi đó lực lượng thanh tra sở rất mỏng, mỗi năm chỉ thanh kiểm tra được gần 200 đơn vị, xử phạt hành chính trên 2 tỷ đồng/năm. Vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, thời gian tới rất mong sự phối kết hợp của chính quyền các địa phương.

Cần khởi tố hành vi gây ô nhiễm môi trường

Kết thúc phiên chất vấn, ông Trịnh Văn Chiến, Bỉ thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ năm 2010 đến nay, và hệ lụy của nó là môi trường.

“Tốc độ tăng trưởng càng nhanh, đầu tư càng lớn, nhà máy càng nhiều và đương nhiên chuyện xả thải và ô nhiễm môi trường sẽ lớn hơn. Đó là quy luật bình thường. Vì vậy với tỉnh ta môi trường đang trở thành vấn đề rất hệ trọng”, ông Chiến nói.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, không vì thế mà Thanh Hóa đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Ông Chiến cũng yêu cầu, các ngành chức năng tỉnh, đặc biệt là Sở TNMT cần lưu ý thực hiện thật tốt công tác quản lí nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Tại hội nghị, ông Trịnh Văn Chiến cũng đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể cho ngành TMMT tỉnh trong thời gian tới, đó là: tìm mọi cách giảm đến mức thấp nhất phát thải ra môi trường; xử lí rác thải, nước thải ra; phân loại ra từng khu vực để xử lí các loại rác thải; có cơ chế tài chính phù hợp để giải quyết vấn đề môi trường theo tinh thần chính là xã hội hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

"Tôi đề nghị sắp tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT, các cơ quan chức năng, Công an tỉnh vào cuộc, khởi tố một số vụ án liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường", ông Chiến đề nghị.

Nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, ông Chiến cho rằng, các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ, cần bí mật khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, tránh trường hợp cán bộ trong các sở, ngành cung cấp thông tin trước cho các đơn vị bị thanh tra khiến cho công tác thực hiện không hiệu quả.

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok