Kinh tế

"Kinh tế ngầm" được thống kê: Đọc vị, hỗ trợ và quản lý tốt hơn nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế “chưa được quan sát” - hay còn được gọi là khu vực kinh tế ngầm.

Theo kế hoạch của Chính phủ giao, bắt đầu từ năm 2020, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) sẽ thực hiện nhiệm vụ thống kê chính thức các thành phần kinh tế trong khu vực kinh tế ngầm.

kinh té ngam ho gia dinh.jpeg

Đề án thống kê kinh tế ngầm sẽ giúp nền kinh tế minh bạch và chính sách quản lý tốt hơn

Trong Đề án của Chính phủ, các thành phần kinh tế trong khu vực kinh tế ngầm được khái quát là kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Theo kế hoạch của Đề án việc thống kê kinh tế ngầm nhằm điều tra và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Kịp thời cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có.

Dựa trên quá trình điều tra này sẽ giúp các bộ ngành hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế.

Theo các chuyên gia, hiện nay khu vực kinh tế chưa được quan sát chiếm tỷ lệ khá lớn trong các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Lâu nay hệ thống thống kê và các con số về khu vực doanh nghiệp tự sản xuất, hộ gia đình... không có chính sách quản lý khiến sự phát triển yếu kém, thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Một nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, khu vực kinh tế ngầm của Việt Nam có quy mô có thể lên tới 25 - 30% GDP.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê nhiều lần thừa nhận việc thống kê khu vực kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp là rất khó khăn, ngay cả với các nước phát triển.

Mới đây, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Thủ tướng đã đề nghị IMF hợp tác, hỗ trợ việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, IMF giúp Việt Nam trong việc tính toán khu vực kinh tế này một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực và khoa học.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok