Kinh tế

Kinh doanh điêu đứng sau lụt ở Sài Gòn

Cơn mưa nặng hạt chiều tối 26/9 không chỉ khiến giao thông trên nhiều tuyến đường TP HCM tê liệt, mà còn gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hoạt động kinh doanh.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) là một trong những điểm ngập nặng nhất của thành phố. Đến sáng nay, dù nước đã rút nhưng nhiều cửa hàng vẫn hì hục quét dọn, khắc phục hậu quả của trận mưa hôm qua.

Chị Trinh, chủ một cửa hàng nội thất cho biết, chưa thống kê cụ thể nhưng có thể thấy thiệt hại rất đáng kể. Nhiều chứng từ, hóa đơn bán hàng cùng phân nửa bàn ghế làm từ mây tre phải chịu cảnh ngập nước, hư hỏng.

“Mặt bằng cửa hàng nhỏ nên khi nước ngập ngang bụng thì cả nhà chỉ biết đứng nhìn, không còn chỗ nào để di dời. Mỗi lần xe lớn chạy ngang là sóng nước tạt mạnh vào khiến mọi thứ xáo trộn, trôi lềnh bềnh khắp nhà. Sáng nay, cửa hàng phải đóng cửa để chùi rửa, sắp xếp lại đồ đạc nên không thể buôn bán”, chị Trinh rầu rĩ nói.

Nhiều hàng hóa tại cửa hàng nội thất trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập trong nước phải lau chùi lại. Ảnh: Phương Đông

Cùng chung hoàn cảnh, anh Thành, chủ một cửa hàng kinh doanh than đá trên đường D2 (Bình Thạnh) cho biết, dù đã dùng máy bơm thủy lực đẩy nước ra ngoài nhưng hàng trăm khối than đặt sát nền vẫn bị ẩm ướt, không sử dụng được.

Chủ vựa gạo tại chợ Cầu Đỏ thì cho hay, sống ở Sài Gòn mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh tượng ngập kinh hoàng như vậy. Anh kể, khoảng 19h hôm qua nước ngấp nghé đầu gối khiến mọi người hốt hoảng vì có hàng trăm bao gạo trong kho đang chờ khách đến lấy.

“Sáng nay, tôi mới phát hiện một vài bao chưa kịp khiêng lên cao đã ướt nước. Giờ phải xé bao ra phơi sấy, chậm tay là ẩm mốc ngay”, anh nói.

Chị Hồng, chủ một quán cơm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) chia sẻ, hôm qua là ngày buôn bán ế ẩm nhất trong suốt mấy năm nay, nhân viên ngồi chơi vì khách thưa thớt. “Nhẩm tính tiền cơm gạo, rau thịt để nấu ăn cả triệu đồng mà hết buổi chiều tối có không đến 20 khách ghé quán thì lỗ nặng rồi”, chị Hồng nói.

Thiệt hại tập trung và lớn nhất phải kể đến bãi giữ xe rộng khoảng 800 m2 trên đường Nguyễn Siêu (quận 1), nhấn chìm cả nghìn xe máy được gửi tại đây. Nhiều nơi nước ngập gần 1,5 m, khiến nhân viên nơi đây không thể di chuyển xe ra, buộc lực lượng cảnh sát PCCC quận 1 phải điều xe chuyên dụng, máy bơm đến bơm nước ra ngoài liên tục 2-3 tiếng.

Tính đến trưa nay, ngoài các chủ xe đến đem xe đi sửa, vẫn còn khoảng 300-400 xe còn nằm lại trong bãi. Nhiều khách gửi xe bức xúc yêu cầu chủ bãi xe nơi đây phải đền bù thiệt hại cho họ vì mỗi ngày một người phải trả 5.000-10.000 đồng tiền giữ xe. Trước yêu cầu này, quản lý bãi xe cho rằng do thiên tai bất ngờ, nên khách hàng phải thông cảm.

Đến trưa nay vẫn còn khoảng 300-400 xe máy chưa đưa ra bên ngoài bãi gửi xe. Ảnh: Tùng Duy

Cùng với các cơ sở, hàng quán tư nhân thì trận mưa lớn hôm qua còn ảnh hưởng đến hàng loạt trung tâm thương mại, các phòng giao dịch của ngân hàng, trung tâm điện máy...

Cơn mưa chiều 26/9 đã khiến toà nhà Bitexco bị dột. Theo phản ánh của những người đang mua sắm và làm việc tại tòa nhà này thời điểm đó, nước bắt đầu chảy mạnh bên trong các khe kính của toà nhà tạo thành những dòng nước liên tục tràn xuống tầng trệt của cao ốc. Khách đến tham quan, mua sắm phải dùng ô và tìm chỗ trú mưa. Ban quản lý tòa nhà đã điều động nhân viên liên tục lau dọn để đẩy nước ra ngoài.

Tập đoàn Bitexco - chủ đầu tư tòa nhà, giải thích, sau cơn mưa rất lớn và kéo dài tại khu vực trung tâm TP HCM gây ngập lụt, nước mưa trên mái xuống đã không thể thoát vào được hệ thống thoát nước của thành phố. Dưới áp lực nước lớn, một lượng nước mưa đã tràn xuống sảnh toà nhà. Khi cơn mưa dứt, hệ thống thoát nước trở lại bình thường. Đêm qua, bộ phận kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra tất cả các hệ thống của tòa nhà, bộ phận lao công đã vệ sinh sạch sẽ.

"Hôm nay mọi hoạt động của tòa nhà đã diễn ra bình thường", phía Bitexco thông báo.

Lãnh đạo phòng giao dịch của một ngân hàng cổ phần nằm trên đường Trần Não, quận 2 cho biết, hôm qua nước ngập lúc đã hết giờ giao dịch, nhưng vì quá bất ngờ nên không kịp di chuyển đồ đạc, thiết bị. Do vậy, nhiều thùng hồ sơ, giấy tờ bị ướt, bàn ghế bị ngâm trong nước...

"Tối hôm qua, nhiều nhân viên phải ở lại khuya để dọn dẹp đồ đạc. Tuy nhiên, do nước rút chưa hết nên sáng sớm phải đến trước, cùng nhau lau dọn, sắp xếp lại đồ đạc để kịp giờ giao dịch của khách", ông nói và cho biết, dù vậy vẫn bị trễ so với giờ làm việc thông thường.

Còn Giám đốc đối ngoại Siêu thị Thiên Hoà thông tin, siêu thị không bị ngập nước, nhưng hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do nước ngập sâu ở các ngả đường thành phố nên gần như không buôn bán được gì.

Hóa đơn, sổ sách kinh doanh cũng bị ướt. Ảnh: Phương Đông

Trong khi hoạt động kinh doanh của nhiều cửa hàng bị đình trệ, ảnh hưởng nhiều, thì riêng các tiệm sửa xe máy lại có một ngày hoạt động tấp nập. Chủ một cửa hàng sửa xe trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho biết, cơn mưa chiều qua vô tình giúp cửa hàng của anh bội thu bởi có hàng chục xe máy nối đuôi nhau chờ được lau chùi bugi.

“Bình thường, khoảng 18h là tôi đóng cửa tiệm nhưng hôm qua nhiều xe chết máy nên 4 người làm không ngừng tay mà đến gần 20h30 vẫn chưa hết việc. Có nhiều người chờ không được nên về, sáng nay mới mở cửa đã có gần 10 chiếc xếp hàng chờ sửa”, anh kể và cho biết thêm dịch vụ chùi bugi ở bên ngoài còn hoạt động tấp nập hơn, nhiều nơi người chùi thu của khách 100.000-150.000 đồng cho một lần làm.

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok