Pháp luật

"Kiều nữ" cầm đầu đường dây mua bán gần 600 tỉ đồng hóa đơn GTGT

Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam nhiều đối tượng trong vụ mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng gần 600 tỉ đồng.

Ngày 14-12, Thượng tá Đàm Văn Khanh, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra (Cơ quan an ninh điều tra) Công an TP Hà Nội, đã thông tin với báo chí về vụ một nhóm đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Đào (SN 1982); Bùi Ngọc Trực (SN 1997); Nguyễn Văn Thuấn (SN 1995); Bùi Văn Hồ (SN 1991, cùng trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội); Lê Hiền Trang (SN 1988, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Đào (SN 1985, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về hành vi tổ chức mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) xảy ra tại địa bàn TP Hà Nội.

Công an thu giữ nhiều tang vật trong vụ án

Trước đó, Phòng An ninh kinh tế Công an TP Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra trong người 2 đối tượng Nguyễn Văn Thuấn và Bùi Văn Hồ nhiều hóa đơn GTGT, tiền, séc khống cùng nhiều tờ giấy A4 đóng dấu khống… Cơ quan điều tra tiến hành khám xét 4 địa điểm liên quan đã thu giữ nhiều con dấu, hóa đơn cùng với nhiều đồ vật, tài liệu để tổ chức bán trái phép hóa đơn GTGT.

Cơ quan điều tra xác định từ đầu năm 2017, Nguyễn Thị Đào (SN 1982) thỏa thuận để mua lại từ Nguyễn Thị Đào (SN 1985), 17 doanh nghiệp đã thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả để sử dụng vào việc bán trái phép hóa đơn GTGT thu lời bất chính. Theo đó, Nguyễn Thị Đào (1985) chịu trách nhiệm hoàn tất thủ tục mua lại các công ty rồi bàn giao toàn bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh, con dấu, hóa đơn để Nguyễn Thị Đào (SN 1982) sử dụng bán hóa đơn thu lời bất chính với giá 50 triệu đồng/công ty.

Sau khi mua lại 17 công ty nêu trên, Nguyễn Thị Đào (SN 1982) thuê nhà tại địa chỉ ngõ 337, phường Định Công (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) làm nơi viết hóa đơn, cất giữ các con dấu, hóa đơn và tài liệu liên quan khác phục vụ việc bán hóa đơn. Khi doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn đầu vào có thể liên hệ trực tiếp với Đào (SN 1982) hoặc thông qua môi giới. Sau khi nhận yêu cầu mua hóa đơn từ khách, Đào (SN 1982) phân công nhiệm vụ cho các đối tượng để thực hiện viết hóa đơn và giao cho khách hàng.

Đối tượng Đào (SN 1982) cầm đầu đường dây vụ án

Tại cơ quan điều tra, Đào (SN 1982) khai nhận hóa đơn ghi giá trị thanh toán dưới 20 triệu đồng được bán với giá 200.000 đồng/tờ. Đối với các hóa đơn giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng được bán với giá 0.5% tiền hàng trước thuế giá trị ghi trên hóa đơn.

Trong đó, các đối tượng tham gia giúp sức được trả công 6 triệu đồng/tháng. Riêng đối với Lê Hiền Trang được trả 300.000 đồng mỗi lần đi giao dịch tại ngân hàng và 50.000 đồng mỗi lần chuyển giao hóa đơn cho khách.

Đồng thời, để tránh sự phát hiện của cơ quan thuế; hàng tháng, quý, các công ty mà các đối tượng sử dụng bán hóa đơn phải làm và nộp đầy đủ báo cáo thuế thể hiện công ty có doanh thu đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp kinh doanh thật. Để thực hiện việc này, ngay từ khi mua 17 công ty, Đào (SN 1982) và Đào (SN 1985) thỏa thuận phân công rõ Đào (SN 1985) chịu trách nhiệm làm báo cáo thuế với chi phí được hưởng là 2 triệu đồng/công ty/tháng. Khi công ty nào có dấu hiệu bị phát hiện thì Nguyễn Thị Đào (SN 1985) thông báo cho Đào (SN 1982) ngừng xuất bán hóa đơn của công ty đó. Ngoài ra, hằng tháng, Nguyễn Thị Đào (SN 1982) trả cho Nguyễn Thị Đào (SN 1985) 20 đến 30 triệu đồng/công ty để Đào mua hóa đơn đầu vào cho các công ty mà Đào kê khai.

Với thủ đoạn nêu trên, quá trình điều tra đến nay bước đầu xác định nhóm đối tượng do Đào (SN 1982) cầm đầu đã xuất khống hóa đơn GTGT qua 17 công ty, 3.500 số hóa đơn (tờ hóa đơn với tổng doanh số trước là 590 tỉ đồng). Đến nay cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 6 đối tượng nêu trên. Trong số đó, Lê Hiền Trang bị khởi tố tại ngoại, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, còn 5 bị can nêu trên đều bị bắt tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra vụ án.

Tác giả: Ng. Hưởng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok