Tại con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu (Q. Ba Đình) những ngày này xuất hiện nhiều thợ trèo sấu bán quả non ngay dưới gốc cây. Giá của mỗi kg dao động từ 45 - 60.000 đồng/kg, nếu khách trả được giá, có thể mua với giá 40.000 đồng/kg.
Cánh trèo sấu, bán sấu ngay trên phố đều nói: "Sấu em mới trẩy hồi sáng sớm, đều là quả non và tươi, cơm sấu dày, vỏ mỏng nên tẩm đường 15 phút sau ăn ngay được".
Sấu non được bán cho khách
Theo một thợ trèo sấu lâu năm cho hay: Trèo sấu là nghề nguy hiểm nhưng hái sấu ra tiền nên không ai sợ cả. Trước có cứ 3 người đi trèo sấu về cũng hái được cả tạ nhưng nay thì không còn được thế nữa. Trung bình hái sấu mỗi ngày được khoảng từ 3 - 5 kg, nếu gặp cây nhiều thì có thể lên 10 - 15 kg là chuyện bình thường. Hôm trước có ngày anh em hái được 20 kg sấu non trên đường Phan Đình Phùng, chỉ trong sáng sớm và giữa trưa.
"Chỉ những quả sấu non mới được giá cao nên cánh hái sấu phải tận dụng thời gian hái càng nhiều càng lợi. Sấu non được giá 50.000/kg, ngày nào "hên" thì cũng có thể kiếm được 1 triệu đồng, còn mỗi thợ trung bình "kiếm" được 4 trăm đến 5 trăm là chuyện bình thường", một thợ trèo sấu khoe.
Cận cảnh nhũng chùm sấu non vừa được hái trên cây xuống và được bán trên phố Trần Phú, Hà Nội
Cũng vì thu nhập cao, nên bất chấp nguy hiểm cho mình và cho người đi đường (đa số cây sấu tại Hà Nội đều được trồng ở tuyến phố lớn, có đông mật độ xe, người qua lại) rất nhiều thanh niên rỗi việc tại các chợ lao động giá rẻ tại Hà Nội đều tranh thủ đi vặt sấu bán cho người đi đường.
Để tránh lực lượng chức năng, cánh hái sấu phải trèo cây từ tờ mờ sáng, giữa trưa hoặc chiều muộn. Mỗi lần lên chỉ hái được mấy kg là phải xuống canh chừng. Cành sấu rất giòn, quả sấu vắt vẻo trên cao nên thợ trèo sấu phải có kinh nghiệm leo trèo mới lấy được quả; túi nải để sấu 1 bên còn 1 bên phải có dây thừng để bảo hiểm.
Sấu non được nhiều "thợ" trèo sấu bán ngay tại gốc
Anh Liêm, thợ trèo sấu quê Thanh Hóa cho hay: "Sấu non đều nằm đầu ngọn, cành nên trèo phải có dây bảo hiểm, hoặc nhỏ con mới dám trèo lên cao. Tuy nguy hiểm nhưng nếu để rụng cũng phí".
Theo nhiều thợ trèo sấu, mỗi ngày họ phải đi 3 - 4 tuyến phố để trẩy sấu, nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng, họ lại trốn trên cây hoặc bất động nhằm qua mắt lực lượng quản lý. Dù hái sấu nguy hiểm, song thu nhập cao nên cũng hình thành "đất riêng" của nhiều đối tượng. Để trèo và hái được sấu bán, các đối tượng xã hội tranh giành nhau từng gốc cây một, những cây có "chủ" nếu thợ sấu muốn trèo phải nộp phí.
"Cây sấu to quả có khi hàng mấy tạ, dù là của công nhưng đều có đất có phần, muốn trèo được phải trả cho các "anh ấy" tiền trông giữ. Cây lớn, sai quả 1 triệu, cây ít hơn thì 500 nghìn đồng thì sẽ được hái quả hết", anh Liêm cho hay.
2 kg sấu non, giá 100.000 đồng, người phụ nữ này nhanh tay mua vì tin đây là sấu vừa trẩy trên cây
"Mỗi cánh hái sấu thường có từ 2 - 3 người, 2 người trèo và 1 người cảnh giới để đề phòng công an hoặc lực lượng chức năng phường. Những cây sấu ngon sẽ không đến lượt các tay trèo tỉnh lẻ, hầu hết thuộc về những đàn anh ở Hà Nội cai quản, thu hái", một thợ trèo sấu tại phố Trần Phú tiết lộ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền