Hai vợ chồng anh Ngô Trung Kiên từ quê ở Hà Tĩnh vào TPHCM từ mùng 5 Tết để ngày mùng 6 đi làm nhưng hai đứa con vẫn còn gửi ở ông bà nội đến ngày 10. Do con nghỉ Tết dài, quay lại trường muộn nên họ đành gửi lại nhà ông bà thêm vài hôm, sau đó, người chú sẽ giúp họ đưa hai cháu vào. Tiền vé đi lại cho người chú thêm một khoản không nhỏ, chưa kể các phát sinh khác thêm một gánh nặng về tài chính cho gia đình.
"Hai vợ chồng vô đi làm mà không yên tâm vì hai cháu hiếu động, đến tuổi quậy phá, ông bà lớn tuổi trông cũng rất cực. Năm nào cũng tình cảnh con nghỉ Tết dài, bố mẹ đi làm sớm nhưng mỗi năm một kiểu ứng phó, không có cách nào cố định được", anh Kiên thở dài và cho biết, năm ngoái vợ chồng anh dùng cách đưa con đến công sở, rồi mới đầu năm đã thay nhau xin nghỉ để ở nhà trông con.
Những ngày này, chị Hoài Anh, nhà ở P.3, Q. Bình Thạnh, TPHCM "khủng hoảng" toàn diện khi vừa phải đi làm vừa xoay với cậu con trai 5 tuổi. Chồng chị làm trong quân đội, đến đơn vị từ mùng 4 và vài hôm mới về nhà một lần. Cô giúp việc thì nghỉ hết rằm tháng Giêng mới quay trở lại, trường của con thì... 11 âm mới "chào mừng trẻ quay lại trường". Chị đưa lên con cơ quan, ngày đầu năm đến đồng nghiệp chúc tết, lì xì thì còn đỡ. Mấy ngày sau vào làm việc, đón khách thì rắc rối vô cùng.
Phụ huynh đã đi làm lại từ mùng 6 nhưng học sinh ở TPHCM còn nghỉ tết dài đến hết ngày 10 tháng Giêng.
Chị Anh kể: "Tôi phải đưa điện thoại cho cháu ngồi góc ở bàn chơi điện tử. Nhưng ngồi một lúc là cháu chán chạy nhảy linh tinh làm ảnh hưởng đến mọi người. Lâu lâu, tôi lại đưa con xuống cô lễ tân, ra chú bảo vệ nhờ trông được lúc nào hay lúc đó". Chị nói, nhiều năm nay chị đều rơi vào cảnh này, đến hẹn lại lên nhưng cũng không có cách nào ổn thỏa, như thể là sống chung với lũ, nhắm mắt chờ ngày trôi qua.
Trước Tết, học sinh ở TPHCM cũng nghỉ trước lịch bố mẹ vài ngày. Nhưng thời điểm đó còn có nhiều phương án như có trường mầm non mở lớp trông trẻ cận Tết, có nhiều lớp ngoại khóa, kỹ năng để gửi trẻ... Còn sau Tết, hầu hết các gia đình phải tự xoay sở. Lúc này, có bao nhiêu cách thức là các ông bố bà mẹ lôi ra hết. Kể cả những cách vô cùng tiêu cực và tiềm ẩn các nguy hiểm như để con chơi điện thoại, máy tính, khóa trái con trong nhà... để đi làm.
Anh Dương, nhà tại một khu tập thể ở Phú Nhuận cho hay, hai ngày đầu, vợ chồng anh thương lượng được với gia đình hàng xóm gửi con sang đó nhờ cô giúp việc của nhà họ trông giúp luôn con mình. Nhưng đến hôm nay thì cô giúp việc đầu hàng vì một mình xoay không nổi với ba đứa trẻ. Sáng nay, vợ anh phải chở con gần 10 cây số sang gửi nhà bà cô trước khi đi làm. Còn ngày mai, thứ 7 cả hai vợ chồng đều đi làm, chưa biết phải làm sao, đang cầu cứu một vài nơi xem ai có thể giữ con giúp.
Anh Dương cũng nói thêm, gửi con một hai hôm cho người không hiểu tính cách, thói quen của trẻ có rất nhiều nguy cơ không an toàn. Nhưng thật sự lúc này, chỉ cần ai gật đầu trông giúp là mừng lắm rồi chứ họ không thể kén cá chọn canh.
Chưa kể, lúc bắt đầu đi học lại, thay đổi thói quen sinh hoạt vui chơi, ăn ngủ thả ga trong dịp Tết, nhiều trẻ rất quấy, khó chịu trong người cũng gây áp lực rất lớn cho phụ huynh và người giữ trẻ.
"Gửi con cho người khác trông, không còn được đi đây đi đó nên khi tối về, bé nhà tôi quấy hết cách để chiều luôn. Mình từ dỗ dành, bực mình là quay sang quát ngay, cả nhà khủng hoảng vì con. Trẻ phải quay lại lớp học, mất một tuần để làm quen lại trường lớp thì cha mẹ... mới thật sự hết Tết.", anh Dương không giấu được vẻ mệt mỏi.
Từ nhiều năm nay, TPHCM luôn là nơi học sinh có thời gian nghỉ Tết cổ truyền dài nhất nước, trung bình là từ 14 - 16 ngày, ngày nghỉ dôi ra rất nhiều so với lịch nghỉ của phụ huynh. Việc học trò nghỉ Tết dài là điệp khúc năm nào cũng diễn ra nhưng do không có những phương án cố định nên bố mẹ vẫn hết sức bị động và khủng hoảng khi vừa đi làm vừa canh con.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí