Trong tỉnh

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên:Gìn giữ những giá trị nguyên bản

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên thuộc huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, vùng đệm 40.260ha thuộc địa phận hành chính 7 xã của huyện Thường Xuân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, BQL Khu BTTN Xuân Liên đã triển khai thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng một cách nghiêm ngặt.

Năm kiểu rừng kín xanh trên núi đá vôi được Ban QL Khu BTTN Xuân Liên bảo vệ nghiêm ngặt.

Qua đó, việc bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, dự trữ thiên nhiên... của đơn vị đã phát huy giá trị đối với công tác nghiên cứu khoa học và tạo nguồn sinh kế, phát triển du lịch đối với cư dân bản địa.

Hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên đã xác định được 1.142 loài, 620 chi và 180 họ.

Trong đó ngành mộc lan đa dạng nhất, chiếm 87,3% tổng số loài của khu vực nghiên cứu, với 35 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, chiếm 3,06%.

Trong kết quả nghiên cứu hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên đã xác định được 3 loài mới cho khu hệ thực vật Việt Nam.

Khu BTTN Xuân Liên ghi nhận 80 loài thú thuộc 26 họ, 9 bộ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu, tổng hợp và thống kê cho thấy, Khu BTTN Xuân Liên có 192 loài chim thuộc 41 họ, 15 bộ.

Kết quả nghiên cứu, tổng hợp và thống kê còn khẳng định, tại đây có 41 loài bò sát thuộc 11 họ, 2 bộ. Đáng chú ý, có 12 loài là ghi nhận mới cho Khu BTTN và tỉnh Thanh Hóa...

Về các loài lưỡng cư, kết quả nghiên cứu, tổng hợp và thống kê ở Khu BTTN Xuân Liên có 36 loài thuộc 7 họ, 2 bộ.

Trong đó có 9 loài ghi nhận mới cho tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, lần đầu tiên khu bảo tồn đã ghi nhận vùng phân bố mới của loài ếch cây Gracixalus quangi ở tỉnh Thanh Hóa. Đây là loài mới được Rowley và cộng sự công bố dựa trên mẫu chuẩn thu ở Nghệ An vào năm 2011.

Phát hiện nhiều loài chim quý tại Khu BTTN Xuân Liên.

Đối với thủy sinh vật và cá khá đa dạng, phân bố rõ rệt ở 2 loại hình thuỷ vực chính đó là sông và suối. Đã xác định được 69 loài cá thuộc 17 họ, 6 bộ.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, BQL Khu BTTN Xuân Liên xây dựng các chương trình, dự án đầu tư; các chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức triển khai thực hiện.

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật đặc hữu, phục hồi tài nguyên rừng và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển bền vững.

Đơn vị này đã làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại và vi sinh vật ngoại lai xâm hại rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại môi trường, cảnh quan rừng. Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, cá loài động vật, thực vật hoang dã có giá trị kinh tế cao, bảo tồn tính đa dạng sinh học.

Ông Phạm Anh Tám- Giám đốc BQL Khu BTTN Xuân Liên cho biết: Ban đã chủ động xây dựng các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng sinh kế cho cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm; tổ chức các hoạt động thu hút cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân vùng lõi và vùng đệm theo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững; nghiên cứu, phát triển mô hình làng du lịch...

Tạo nguồn thu từ du lịch để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài ra, Khu BTTN Xuân Liên còn tổ chức liên doanh, liên kết để kinh doanh du lịch sinh thái theo quy hoạch và quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, các dịch vụ của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng đã ký kết. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, môi trường cho khách du lịch và cộng đồng.

Tác giả: Linh Anh

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok