Du lịch

Khu bảo tồn Sơn Trà: Chọn mô hình tham quan thiên nhiên và thú đặc hữu

“Phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) nên tập trung vào mô hình du lịch tham quan có tổ chức để bảo vệ sự toàn vẹn của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà. Với điểm nhấn đàn Voọc Chà Vá chân nâu (trong sách đỏ), Sơn Trà sẽ thu hút hàng triệu triệu người đến thăm và tham quan.

Giữ nguyên vẹn Sơn Trà vẫn thu hút hàng triệu du khách vì quang cảnh hoang sơ nơi này. Ảnh: LÊ TUẤN

Đây là cách quảng bá du lịch quốc gia, đồng thời quảng bá bản sắc nhân văn và nhân bản của Việt Nam trong việc bảo tồn các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng” - một trong số những kiến nghị của TS Sinh học Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội Bảo tồn Đa dạng Sinh vật Thế giới về hướng đi mới của dự kiến phát triển Sơn Trà.

Không buồng phòng, vẫn có triệu du khách

Hiện nay với sự bùng nổ của hoạt động du lịch không bền vững đang đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái Bán đảo Sơn Trà - nguồn giá trị chính khiến Sơn Trà trở nên hấp dẫn với du khách. Với ba mặt tiếp giáp biển, một mặt tiếp giáp đô thị, Sơn Trà không có cơ hội mở rộng diện tích, trái lại nơi đây còn đã và đang ngày càng bị thu hẹp bởi tác động con người. Chính vì vậy, giữ toàn vẹn Sơn Trà là một trong những vấn đề được nhiều tổ chức bảo tồn và các nhà khoa học quan tâm. Bàn về dự kiến với con số 1,6 ngàn buồng phòng khách sạn, khu nghỉ mát trong tương lai, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đặt câu hỏi: “Chúng ta có nên đánh đổi sự nguyên sơ Sơn Trà lấy khu nghỉ mát? Tại sao không chọn một con đường mới thay vì bê tông hóa nó?”.

Cùng chung ý kiến đó, Chủ tịch Hội Bảo tồn Đa dạng Sinh vật Thế giới, TS Đặng Trung Phước khẳng định: “Những khu nghỉ dưỡng không những không tạo nên bản sắc du lịch mà còn hủy hoại sự đa dạng sinh học, cảnh quan… Đây là điều không thuận lý nhất, cần phải cẩn trọng lưu ý trong quy hoạch, bởi không có Sơn Trà đầy bản sắc, Đà Nẵng chỉ là một trong những thành phố ven biển thông thường của Việt Nam”.

Từ lập luận đó, ông Trung đề xuất, phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà nên tập trung vào mô hình du lịch tham quan có tổ chức để bảo vệ sự toàn vẹn của Sơn Trà. Sử dụng đàn Voọc Chà Vá chân nâu, có nguy cơ bị tuyệt chủng đang được bảo vệ làm điểm nhấn, sẽ thu hút hàng triệu triệu người đến thăm và tham quan. Đây là lối quảng bá du lịch quốc gia một cách tuyệt mỹ, đồng thời quảng bá bản sắc nhân văn và nhân bản của Việt Nam trong việc bảo tồn các sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Mô hình gợi ý

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định: “Sơn Trà có 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 300 loài động vật có xương sống ở cạn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng, với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài cỏ biển”.

Công viên thiên nhiên đảo Phillip (Australia) và Khu bảo tồn khỉ Tarsier (Bohol, Philippines) là những mô hình du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu, bảo tồn và giáo dục thành công trên thế giới, có thể coi là hai mô hình tham khảo - gợi ý cho Sơn Trà.

Công viên thiên nhiên đảo Phillip (Australia), với diện tích chỉ 1.800ha đã thu hút gần 1,4 triệu khách hàng năm. Giá vào công viên 58USD/ người chỉ để ngắm chim cánh cụt sinh sống tại đảo. Doanh thu năm 2016 của Công viên đảo Phillip đạt 28,7 triệu USD.

Bán đảo Sơn Trà có nhiều điểm tương đồng vì cùng là nơi cư trú của loài đặc hữu, có vị trí biệt lập nhưng thuận tiện kết nối giao thông, thậm chí nổi trội hơn đảo Phillip về sự giàu có của giá trị đa dạng sinh học. Chính vì vậy Sơn Trà hoàn toàn tiềm năng để trở thành một nơi như Công viên thiên nhiên đảo Phillip với cách tiếp cận coi hệ sinh thái chính là giá trị kinh tế, và bảo tồn hệ sinh thái kết hợp khai thác một cách hợp lý để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của hệ sinh thái.

Một bài học khác là Khu bảo tồn khỉ Tarsier dù rộng 134ha ở Bohol, được thành lập bởi tổ chức phi lợi nhuận Philippines Tarsier Foundation năm 1996 với mục tiêu bảo vệ loài khỉ Tarsier và tái phủ xanh rừng thứ sinh. Khu bảo tồn đã dành riêng 8,4ha cho Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Tarsier nơi khỉ Tarsier được chăm sóc, cho ăn. Du khách xem cận cảnh các chú khỉ Tasier, tìm hiểu thông tin tại trung tâm hoặc đi dọc đường mòn dài 15km trong Khu bảo tồn với các điểm thuận lợi để quan sát Tasier trong môi trường sống tự nhiên.

Với nhiều điểm tương đồng, thậm chí giàu có hơn về giá trị đa dạng sinh học, bán đảo Sơn Trà rất tiềm năng trở thành điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu và bảo tồn điển hình của Việt Nam và thế giới.

Tác giả: Thùy Trang

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok