Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Đặng Thanh Bình (Ảnh: Người lao động) |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình (sinh năm 1954), nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cùng ngày, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định và Lệnh đối với bị can Đặng Thanh Bình, đồng thời khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Đặng Thanh Bình (SN 1954) có thâm niên 25 năm làm trong ngành ngân hàng. Ông đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau tại Ngân hàng Nhà nước, từ cương vị Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính năm 1994, Vụ trưởng Vụ Pháp chế năm 1997 và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2002 trước khi được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc tại đây vào năm 2005.
Ông Đặng Thanh Bình nghỉ hưu theo chế độ năm 2015.
Vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) là một trong những “đại án” kinh tế được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.
VNCB có tiền thân là ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT. Sau khi điều hành ngân hàng dẫn đến thua lỗ, bị rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu tới gần 3.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.000 tỷ đồng, nhóm cổ đông của bà Phấn chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông của ông Phạm Công Danh. TrustBank được đổi tên thành ngân hàng VNCB vào tháng 5/2013.
Với tình trạng tài chính như vậy, VNCB bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát.
Mặc dù bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như vậy nhưng Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh vẫn thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân…
Cụ thể, Phạm Công Danh đã dùng các công ty do mình thành lập để ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB ra để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh do Danh làm Tổng giám đốc. Trong thời gian ngắn, từ khi nắm ngân hàng đến tháng 5/2014, Danh chỉ đạo, phân công các nhân viên dưới quyền tại VNCB thực hiện nhiều việc làm vi phạm, gây thiệt hại cho ngân hàng 9.000 tỷ đồng.
Phạm Công Danh và các đồng phạm bị khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử, nhận mức án 30 năm tù giam sau 2 phiên tòa sơ thẩm (tháng 9/2016), phúc thẩm (tháng 1/2017) về 2 tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong giai đoạn II của vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, cơ quan điều tra đã tập trung làm rõ hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 thành viên tổ giám sát của Ngân hàng nhà nước đặt tại VNCB gồm các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh. Theo đó, trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng được đặt ra.
Tác giả: Phương Thảo - Tuấn Hợp
Nguồn tin: Báo Dân trí