Số hóa

Khốc liệt như thị trường smartphone Trung Quốc

Có hơn 200 nhà sản xuất smartphone tại Trung Quốc nhưng hơn 90% thị phần bị thâu tóm vào tay khoảng 20 công ty lớn nhất.

Theo SCMP, việc người dùng Trung Quốc đang có xu hướng chậm nâng cấp smartphone đang khiến doanh số bán hàng tại thị trường lớn nhất thế giới suy giảm. Số liệu từ IDC cho thấy, lượng điện thoại bán ra năm 2017 giảm 4,9%, xuống còn 444,3 triệu chiếc. Điều này buộc các hãng sản xuất phải đưa ra những cải tiến trên sản phẩm của mình, nhưng cũng khiến cuộc chiến giữa họ khốc liệt hơn.

"Nhiều nhà sản xuất smartphone nhỏ sẽ bị buộc phải rời khỏi thị trường vào năm 2018 vì lượng người mua ít đi", Xiaohan, nhà phân tích thị trường của IDC, nhận định.

Top 5 hãng smartphone hàng đầu chi phối thị trường điện thoại Trung Quốc.

Trung Quốc hiện có khoảng 200 nhà sản xuất smartphone, giảm từ 300 so với hai năm trước đó. Tuy nhiên, thị trường này chỉ đang chi phối bởi năm thương hiệu, gồm Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi và Apple với 77% thị phần năm 2017, tăng từ 67% trong năm 2016, theo Counterpoint. Trừ Apple, các hãng hàng đầu đang chạy theo xu hướng về tiếp thị mạnh tay, đổi mới thiết kế, tính năng hấp dẫn và giá cả phải chăng.

"Nếu tính rộng ra, khoảng 20 thương hiệu điện thoại đang kiểm soát 93% thị phần tại Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là 7% sẽ dành cho 180 cái tên còn lại. Sự cạnh tranh khốc liệt và dễ dàng đoán được không ít trong số đó phải từ bỏ cuộc chơi trong năm nay", Neil Shah của Counterpoint cho biết.

Nhu cầu smartphone tại Trung Quốc tăng mạnh từ năm 2010, trong giai đoạn mạng 3G phát triển mạnh ở đây. Tuy nhiên, sau 2013, xu hướng mới tập trung vào chất lượng và tích hợp 4G khiến không ít công ty "rơi rụng", nhất là với những công ty hướng sản phẩm đến phân khúc giá rẻ.

Theo Shah, xu hướng người dùng chậm nâng cấp gây ra nỗi đau nghiêm trọng cho các thương hiệu điện thoại thông minh cấp hai và cấp ba như Meizu, Gionee, Coolpad hay LeEco. Những cái tên này đã không xuất hiện tại MWC 2018, dù trước đó vẫn tham gia đều đặn.

Hầu hết các thương hiệu Trung Quốc đều chạy theo chiến lược tiếp thị mạnh mẽ để duy trì: thuê người nổi tiếng, chạy quảng cáo tại các trung tâm thương mại, tàu điện ngầm... "Việc áp dụng rập khuôn khiến chiến lược của họ quá giống nhau để nổi bật so với đối thủ. Chưa kể sự phụ thuộc vào tiếp thị sẽ tự giết chính mình nếu yếu kém về tài chính", Zhao Ziming, nhà phân tích cao cấp của Cyzone có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận xét.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok