Giáo dục

Khoảng 1,8 triệu học sinh chịu tác động của học phí mới

Sở GD&ĐT và Sở Tài chính Hà Nội đã có tờ trình báo cáo lãnh đạo thành phố về phương án tăng học phí phổ thông năm học 2018 - 2019. Theo đó, khoảng 1,8 triệu học sinh sẽ chịu tác động của mức học phí mới này.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có Tờ trình gửi UBND Thành phố về phương án tăng học phí năm học 2018-2019, dựa trên nguyên tắc phù hợp đời sống người dân trên địa bàn, theo đúng lộ trình được HĐND Thành phố đề ra và đảm bảo đầu tư tốt hơn cho giáo dục.

Được biết hiện thành phố có 2. 641 đơn vị trường học với khoảng 1,8 triệu học sinh. Việc tăng học phí được lý giải để cải cách tiền lương và chi cho sự nghiệp giáo dục hàng năm.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện Sở GD&ĐT và Sở Tài chính Hà Nội đã có tờ trình báo cáo lãnh đạo thành phố về phương án tăng học phí phổ thông năm học 2018 - 2019.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay học phí của Hà Nội là không cao, thậm chí thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh thuộc địa bàn khu vực Sông Hồng. (Ảnh: minh họa)
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay học phí của Hà Nội là không cao, thậm chí thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh thuộc địa bàn khu vực Sông Hồng. (Ảnh: minh họa)

Điều này dựa trên 3 nguyên tắc:

Thứ nhất, việc tăng này phải phù hợp đời sống và thu nhập của người dân trên địa bàn. Ông Cẩn cho biết thêm, qua khảo sát thống kê, hiện nay học phí của Hà Nội là không cao, thậm chí thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh thuộc địa bàn khu vực sông Hồng. Do đó, mức tăng được đề xuất không vượt quá 2% thu nhập người dân.

Thứ hai, nguyên tắc tăng học phí đảm bảo theo Nghị quyết 01 năm 2016. Theo đó, đến năm 2020 - 2021, Hà Nội đảm bảo mức trần của khung Nghị định 86, quy định cho năm học 2014 - 2015, riêng với miền núi chỉ bằng 50%.

Thứ ba, các đối tượng chính sách miễn giảm được đảm bảo.

Các trường sẽ không được quyền giữ lại toàn bộ học phí để chi tiêu mà nộp ngân sách và để cải cách tiền lương (Ảnh: minh họa)
Các trường sẽ không được quyền giữ lại toàn bộ học phí để chi tiêu mà nộp ngân sách và để cải cách tiền lương (Ảnh: minh họa)

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, theo lộ trình tăng học phí, năm nay các địa bàn thành thị là 155.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 45.000 đồng với với năm học trước); học sinh nông thôn 75.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 20.000 đồng); học sinh miền núi 19.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 5.000 đồng).

"Các trường sẽ không được quyền giữ lại toàn bộ học phí để chi tiêu. Căn cứ theo quy định, Chính phủ sẽ dùng 40% để cải cách tiền lương. Còn lại 60% sẽ nộp về thành phố để phục vụ cho giáo dục, để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.

Ngành Giáo dục cũng đang đề nghị Thành phố đầu tư lại số tiền học phí đã đóng để tăng đầu tư lại cho giáo dục. Mức tăng học phí này tính ra cũng mới đạt 11%, phần còn lại vẫn là tiền ngân sách", ông Cẩn nói.

Được biết, theo lộ trình, học phí hàng năm chương trình giáo dục đại trà cấp mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập của Hà Nội được điều chỉnh tăng dần.

Đến năm học 2020 -2021, mức thu học phí của Hà Nội sẽ bằng mức cao nhất trong khung học phí quy định tại Nghị định 86 (năm 2015) đối với vùng thành thị là 300.000 đồng và nông thôn là 120.000 đồng. Học phí các xã miền núi của thành phố bằng 50% mức cao nhất trong khung, là 30.000 đồng.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok