Xe

"Khổ" như lái siêu xe

Lý do nhiều người mơ ước sở hữu siêu xe đã quá rõ: xe đắt tiền, sang chảnh, tốc độ cao, thu hút sự chú ý...; nhưng kèm theo đó là không ít phiền toái mà các nhà sản xuất, và ngay cả một số chủ siêu xe, vẫn giấu nhẹm.

1. Gầm xe quá thấp

Một chiếc Lamborghini Sesto Elemento thậm chí cần được nâng bằng tay để vỉa hè khỏi phá hỏng mũi xe

Nhiều siêu xe thậm chí có gầm thấp hơn một số loài bò sát. Những cỗ máy tính năng vận hành cao này được mặc định là có khả năng chạy "xé gió", nên tính khí động học được thiết kế sao cho xe "dán" xuống mặt đường.

Mặt trái của thiết kế này là chỉ cần sụt ổ gà hoặc đâm phải hòn gạch nhỏ trên đường, một gờ giảm tốc hơi cao một chút, chủ siêu xe có thể phải tốn cả chục ngàn USD. Đó chính là một phần lý do khiến siêu xe không phù hợp để ra đường hàng ngày và gây căng thẳng cho người cầm lái.

2. Công suất quá cao

Một trong những lý do quan trọng khiến người ta mua siêu xe là công suất khủng - thường từ 300-400 mã lực trở lên, hay như Bugatti Veyron là hơn 1000 mã lực. Tuy nhiên, thực tế là hiếm khi các chủ siêu xe có cơ hội giải phóng sức mạnh này của siêu xe.

Ngoại trừ đường đua và những đường cao tốc vắng vẻ, hoặc không giới hạn tốc độ, như Autobahn ở Đức, còn lại, siêu xe chủ yếu cũng chỉ chạy tốc độ như ô tô bình thường, thậm chí chậm hơn, do đặc thù gầm thấp, phải chú ý chướng ngại vật.

Và phiền phức hơn so với lái ô tô thông thường là bạn cần kiểm soát chân ga của siêu xe thật tốt, bởi chỉ một cú nhích ga quá đà, hậu quả có thể là một tai nạn kinh hoàng; hay đơn giản hơn, là phiếu phạt quá tốc độ. Rất nhiều siêu xe chỉ mất chưa đến 4 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h, nhưng hầu hết các nước đều có giới hạn tốc độ tối đa quanh mức 100 km/h.

Không được thoả sức đạp ga, nhưng trớ trêu là bạn vẫn phải chi một số tiền không hề nhỏ để đổ xăng nuôi xe. Thực tế phũ phàng là bạn trả tiền để mua về công suất khủng, để rồi chẳng mấy khi có cơ hội trải nghiệm nó.

3. Không một phút riêng tư

Tất nhiên là chẳng ai mua một chiếc siêu xe bóng bẩy, màu sắc bắt mắt, để rồi giấu kín trong gara; nhưng lúc nào cũng vị làm phiền khi ra đường hẳn không phải là điều thú vị. Người thì đến bắt chuyện hỏi han về chiếc xe, người thì muốn chụp ảnh nhờ, người thì chỉ đơn giản là trầm trồ ngưỡng mộ...

Phải trả lời những câu hỏi của "người hâm mộ" cả nghìn lần chắc chắn là không dễ chịu. Và bạn sẽ phải chuẩn bị sẵn một số câu từ chối khéo trong không ít trường hợp có người, ngay cả bạn bè, người thân, ngỏ ý muốn thử cầm lái chiếc siêu xe của bạn.

4. "Nô lệ" của tài sản

Với một tài sản lớn như siêu xe, bạn phải "nâng như nâng trứng"; đi đường bạn lo bị xe khác va quẹt vào, đỗ xe ở đâu bên ngoài cũng thấy bất an... Vào bãi đậu xe nào bạn cũng chỉ có một mong muốn tột cùng, là có hẳn hai chỗ để đỗ một chiếc xe, không phải đỗ sát bất cứ xe nào.

5. "Nuôi" xe cũng tốn cả gia tài

Nếu mọi việc xuôi chèo mát mái, riêng tiền xăng, thay dầu, bảo dưỡng, bảo hiểm... cũng đã khiến chủ siêu xe tốn không ít. Nếu không, chỉ một trục trặc nhỏ khiến xe có thay bộ phận nào đó cần phải thay thế, sửa chữa; hoặc tệ hơn, là xe gặp tai nạn, con số trên hoá đơn có thể khiến người thường... "ngất", và nhà giàu cũng... khóc.

Chi phí mới chỉ là một vấn đề; với người chơi siêu xe ở các thị trường nhỏ, như Việt Nam, nhiều trường hợp phải đưa cả xe ra nước ngoài mới sửa chữa hoặc thay thế được phụ tùng, vì nhiều lý do: thợ không đủ trình độ, cơ sở vật chất nhà xưởng không đạt chuẩn, không có nguồn linh kiện, phụ tùng thay thế...

Chủ nhân của một chiếc Rolls-Royce Phantom tại TPHCM từng tiết lộ, hồi năm 2009, khi xe của ông bị hỏng hệ thống lọc không khí, ông đã liên lạc với chính hãng, sau hãng đã phải cử một chuyên gia sang Việt Nam xem xét, đánh giá tình trạng hiện tại của xe, kiểm tra xe hỏng hóc như thế nào, lên phương án sửa chữa, sau đó bay về báo cáo. Khi có phụ tùng, một chuyên gia khác của hãng lại bay sang Việt Nam, mang theo các trang thiết bị để thay thế. Cả gói sửa chữa đó, bao gồm vé máy bay đi - về, chi phí ăn ở cho chyên gia, tiền công, tiền mua phụ tùng... lên tới hơn 20.000 USD.

Hoặc như các chủ xe Bugatti Veyron trên toàn thế giới, địa chỉ duy nhất để thay lốp là... nước Pháp, với chi phí 70.000 USD - số tiền đủ để mua một chiếc Audi hoặc BMW. Và để bảo dưỡng động cơ của Veyron, các kỹ sư phải tháo rời toàn bộ nửa sau thân xe, từ cột B đổ lại. Chuyên trang Autocar của Anh từng thử làm một phép tính các chi phí chủ xe phải trang trải khi sử dụng siêu xe Bugatti Veyron, và con số lên tới 300.000 USD, cao hơn cả chi phí sử dụng máy bay cá nhân.

6. Chủ siêu xe chẳng có ai "tử tế"?

Việc sở hữu một tài sản có giá trị lớn như siêu xe sẽ khiến bạn bị nhiều người nhìn với con mắt xét nét và đầy định kiến. Đa số cho rằng người có nhiều tiền để mua siêu xe như thế thì chắc hẳn làm ăn không đàng hoàng, hoặc là một cậu ấm, cô chiêu "phá gia chi tử", hoặc là một tay chơi có hạng...

7. Quên chuyện hành lý đi

Đừng nghĩ tới chuyện chất đồ lên siêu xe, bởi đơn giản là chẳng có chỗ nào mà chất. Cốp xe đôi khi chỉ đủ chỗ cho hai túi... rau.

Điều này đồng nghĩ với việc bạn khó có thể đi đâu xe với siêu xe. Nhưng suy cho cùng, cũng hiếm người mua siêu xe để đi du lịch.

Tuy nhiên, sau tất cả, bất chấp tất cả những nhược điểm trên, nếu được hỏi: Có muốn lái siêu xe nữa không? Có muốn sở hữu một chiếc siêu xe không? Câu trả lời của hầu hết những người đã từng cầm lái siêu xe sẽ vẫn là: Có. Chắc chắn rồi!

Còn với những người chưa từng có cơ hội cầm lái siêu xe, đó luôn là ước mơ cháy bỏng.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: công suất , lái siêu xe

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok