Đua thuyền trên cửa lạch Cờn |
Đền Cờn gần 800 năm tuổi, là một trong bốn đền thiêng nhất ở Nghệ An: Nhất Cờn, nhì Quả, sau mới Bạch Mã, Chiêu Trưng. Đền có kiến trúc cổ: gồm nghinh môn, trung điện, hạ điện, hậu cung, toà ca vũ. Sau đền có hai đồi nhỏ giăng dài ra hai bên như cánh phượng. Tại mỗi đồi có một giếng nước, truyền thuyết ghi là mắt phượng. Bên kia dòng Mai Giang là núi Voi, núi Xước.
Theo thần phả, sắc phong và các tài liệu lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Việt điện U linh tập... đền Cờn được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần, trong thờ Tứ vị Thánh nương. Các Thánh nương là ba mẹ con Công chúa nước Nam Tống là Từ Thi Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai Công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1229), quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu trung thần nhà Nam Tống đem vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sỹ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn bị quân Nguyên truy sát gấp rút lại gặp sóng to gió lớn, vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông. Thi thể 3 mẹ con Công chúa trôi dạt vào cửa Tráp (cửa Càn). Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối nhưng mặt mũi hồng tươi, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra mùi thơm như lan như quế nên lấy làm kỳ lạ, bèn chôn cất và lập miếu thờ, sau đó mỗi khi ra khơi đến cầu khẩn đều thấy linh nghiệm. Từ đó người dân đặt tên cho địa phương mình là Hương Cần, hay còn gọi là Phương Cần, nay thuộc xã Quỳnh Phương.
Theo Đại Việt sử ký Toàn thư và Đại Nam Nhất Thống Chí: “Năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thuyền ba quân đến cửa Càn Hải tức cửa Cờn, xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, dừng lại nghỉ ngơi. Ban đêm nhà vua mộng thấy nữ thần khóc và nói: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến nơi này. Thượng đế phong cho làm Thần biển ở đây đã lâu, nay bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Sáng sớm hôm sau nhớ lại, Trần Anh Tông cho mời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích, liền vào đền kính tế. Ra đi biển trời lặng gió, vua kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn thắng trận lớn. Năm sau vua trở về cho dựng đền ngói, bốn mùa cúng tế và phong là Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh nương.
Năm Hồng Đức thứ nhất 1470, vua Lê Thánh Tông mang quân đánh dẹp phương Nam, cũng dừng chân tại cảng Xước nghỉ ngơi chỉnh đốn binh lực và vào đền tế lễ. Sau khi thắng trận, vua tôi định kéo quân tiến thẳng Thăng Long nhưng vừa ra đến cửa biển thì gió đông bắc nổi lên, đoàn thuyền phải vào cửa Cờn dưới chân đền trú gió. Lê Thánh Tông lấy làm lạ bèn ban thêm phẩm vật, cho tạc tượng dựng thêm mấy tòa đền và làm thơ ngự chế.
Dưới triều nhà Lê, rồi nhà Nguyễn, ngôi đền nhiều lần được trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới nên kiểu dáng kiến trúc, cách bài trí đồ tế khí, chạm hoa văn rồng, phượng... mang phong cách văn hoá cuối Lê đầu Nguyễn, mặc dù đền được xây dựng từ thời nhà Trần. Tháng 9 - 1966, đền Cờn bị bom Mỹ đánh phá, làm hư hỏng ba cung thờ chính cùng nhiều đồ tế khí có giá trị. Hiện nay còn lại nghinh môn và toà ca vũ. Trong đền còn lưu giữ nhiều pho tượng cũ, đồ tế khí có giá trị lịch sử văn hoá, tín ngưỡng.
Đền Cờn gắn liền với những mẩu chuyện huyền thoại linh thiêng lưu truyền trong nhân dân và lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, đang ngày càng thu hút du khách thập phương về tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt tín ngưỡng. Với những giá trị đó to lớn đó, ngày 29 – 01 - 1993 Bộ Văn hóa - Thông Tin ra Quyết định số 68/QĐ - BVHTT công nhận Đền Cờn là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Phóng viên Phương Nam Plus đã ghi lại một số hình ảnh du khách thập phương về tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt tín ngưỡng:
Ghi sớ cầu may |
Bày biện lễ trước khi vào đền |
Hoa trái, bánh kẹo là chút lòng thành của người dân. |
Người dân đổ về đền Cờn đông nghịt từ sáng. |
Tác giả: Đức Anh
Nguồn tin: phuongnamplus.vn