Trong vài trăm năm gần đây, Ấn Độ là một đất nước khá bảo thủ do ảnh hưởng từ chủ nghĩa đạo đức của nhiều nhóm tôn giáp, trong đó có đạo Hồi, Công giáo và đạo Bà La Môn. Tuy nhiên, trước thế kỷ 13, các vấn đề liên quan tới tình dục cởi mở hơn nhiều, coi trọng cả thể chất và tinh thần. Nghệ thuật phòng the được hướng dẫn trong Kamasutra, giáo trình tình dục đầu tiên của thế giới.
Du khách có thể thấy dấu tích của thời kỳ đó trên khắp Ấn Độ, dưới dạng các họa tiết gợi cảm ở đền Sun tại Konark, các bức tranh và tượng điêu khắc ở hang Ajanta và Ellora ở Maharashtra. Tuy nhiên, ví dụ điển hình và được bảo tồn tốt nhất của nghệ thuật gợi cảm được tìm thấy ở thị trấn Khajuraho, bang Madhya Pradesh.
UNESCO đã công nhận những tòa tháp của đạo Hindu này là Di sản thế giới vào năm 1986. Được triều đại Chandela xây dựng vào khoảng năm 950 tới 1050, hiện nay cụm công trình này chỉ còn 22 tháp so với con số 85 lúc ban đầu.
Hiện tại chỉ còn 22 ngôi đền trong tổng số 85 đền ban đầu. Ảnh: BBC.
Tới đây vào một ngày nắng đẹp, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tòa tháp sa thạch rực rỡ như dát vàng. Phụ nữ địa phương đem hoa tươi và hương tới cầu nguyện, trong khi các du khách đứng ở hành lang bên ngoài, choáng ngợp trước những tác phẩm điêu khắc tinh tế phủ kín từng centimet của tường tháp. Các tượng điêu khắc miêu tả hình ảnh của các vị thần, chiến binh, nhạc công, động vật và chim chóc.
Nhìn qua có vẻ giống với những ngôi đền khác của Ấn Độ, tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy nhiều tượng khắc mang tính khiêu gợi. Những nam nhân và nữ nhân trong nhiều tư thế gần như không thể, cạnh đó là các vị thần thể hiện sự hài lòng trước cảnh tượng diễn ra. Một số tượng bị hư hại nhưng phần lớn gần như còn nguyên vẹn sau hơn 1.000 năm lịch sử.
Mặt ngoài các tòa tháp được phủ kín tượng điêu khắc. Ảnh: BBC.
Theo BBC, nhiều giả thuyết được đưa ra về sự tồn tại của những hình ảnh táo bạo này. Một số cho rằng do các quốc vương triều Chandela theo phương pháp Tantra - đề cao sự cân bằng giữa nam giới và nữ giới. Quan điểm của họ được thể hiện trong các đền đài xây dựng vào thời kỳ này.
Một giả thuyết khác nhắc tới vai trò của các ngôi đền vào thời đó. Đây không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi để học hỏi nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật phòng the. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng các tượng điêu khắc đặc biệt này đem lại phước lành, tượng trưng cho khởi đầu và sự sống mới.
Đạo Hindu coi hoạt động kết đôi và một phần không thể thiếu của cuộc sống. Đó có thể là lý do các bức tượng này xuất hiện giữa nhiều hoạt động khác như cầu nguyện, chiến tranh. Việc chúng không nằm ở góc khuất cho thấy ý định của người nghệ sĩ là để tất cả có thể chiêm ngưỡng.
Những bức tượng gợi cảm được đặt giữa các hoạt động bình thường. Ảnh: BBC.
Điều kỳ lạ là không ai biết tại sao những ngôi đền này được xây dựng tại Khajuraho. Không có ghi chép nào về một vương quốc từng tồn tại ở khu vực này. Các tòa tháp độc đáo còn tới ngày nay là nhờ nằm sâu trong rừng rậm trong hàng trăm năm, trước khi được đại úy người Anh, TS Burt, phát hiện vào năm 1838. Những người thân cận của Burt đã phải thuyết phục ông thực hiện chuyến thám hiểm này, vì ông không tin ở nơi hẻo lánh đó lại có gì đáng bỏ công sức. Cụm đền độc đáo cũng không bị các cảnh sát đạo đức Ấn Độ để mắt tới, trong khi những hiện vật văn hóa như sách của Salman Rushdie hay tác phẩm của MF Hussain bị tiêu hủy.
Điều đáng nói là những du khách tới đây đều lắng nghe giảng giải của hướng dẫn viên về ý nghĩa và lịch sử của những bức tượng đặc biệt này mà không ai nhíu mày hay cười cợt. Có thể nói, Khajuraho chứa đựng bài học lớn về sự chấp nhận và dung hòa.
Tác giả bài viết: Hoàng Linh