Số hóa

Kêu gọi tẩy chay Huawei nhận được phản hồi trái chiều ở châu Âu

Châu Âu đang tích cực kêu gọi tẩy chay các thiết bị viễn thông Huawei, điều do Hoa Kỳ khởi xướng, với một loạt cáo buộc liên quan tới an ninh. Tuy nhiên, một số quốc gia khác không bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục hợp tác với tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ Trung Quốc này.

Huawei

Tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei đang vấp phải không ít những cáo buộc liên quan tới an ninh trong thời gian gần đây - Ảnh: AFP

Huawei hiện đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng đối với các cáo buộc liên quan tới tình báo Trung Quốc, khiến không chỉ Mỹ mà cả Úc, Nhật Bản cùng một số quốc gia châu Âu khác đang nỗ lực hạn chế ảnh hưởng mạng lưới 5G của Huawei.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson trước đó cũng đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc về việc Huawei cung cấp mạng 5G ở Anh".

Còn cơ quan an ninh mạng Séc nghi ngờ Trung Quốc "buộc các công ty tư nhân có trụ sở tại nước này hợp tác với các dịch vụ tình báo", điều này có thể trở thành "mối đe dọa" nếu liên quan đến an ninh của một số quốc gia.

Vụ bắt giữ giám đốc kinh doanh Huawei chi nhánh Ba Lan vài ngày trước với cáo buộc gián điệp càng làm dấy lên mối lo ngại về an ninh trong việc sử dụng các thiết bị viễn thông của công ty này tại châu Âu.

Chính phủ Ba Lan sau đó đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên thống nhất cách tiếp cận trong việc loại bỏ thiết bị viễn thông do Huawei cung cấp khỏi thị trường.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, kêu gọi tẩy chay Huawei nhận được không ít phản hồi trái chiều bởi khả năng cung ứng mạng lưới 5G tại châu Âu của Huawei khá hấp dẫn. Huawei được cho là đang đi trước các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Ericsson (Thụy Điển), Nokia (Phần Lan) và Samsung của Hàn Quốc trong việc cung cấp mạng 5G.

Được biết, công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm (5G) thể hiện bước nhảy vọt về tốc độ truyền thông không dây và sẽ là chìa khóa để phát triển internet mọi thứ, bao gồm cả xe tự lái. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia muốn triển khai 5G càng sớm càng tốt.

Các nhà khai thác viễn thông trên khắp châu Âu, dưới áp lực lớn phải nhanh chóng tung ra 5G, dường như đang giảm bớt nỗi lo bảo mật và tiếp tục hợp tác với tập đoàn viễn thông Huawei nhằm đảm bảo các chiến lược về kinh doanh.

Nhà mạng chính MEO của Bồ Đào Nha đã ký một thỏa thuận viễn thông với Huawei vào tháng 12 năm ngoái trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Công ty mạng viễn thông lớn thứ 5 trên thế giới, Orange (Pháp) tuyên bố sẽ không hợp tác với Huawei cho nền tảng 5G tại Pháp, nhưng rất có thể phân phối nó tại Tây Ban Nha và Ba Lan.

Còn ở Na Uy, nơi mạng lưới di động hiện tại phần lớn được cung cấp từ các thiết bị Huawei, đang phải nỗ lực tìm cách giảm thiểu "những lỗ hổng về an ninh" trước những lo ngại gián điệp.

Đức cũng đang chịu áp lực từ Mỹ nhằm giám sát các hoạt động của tập đoàn Huawei. Tuy nhiên, cơ quan giám sát CNTT nước này khẳng định không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Huawei đang lợi dụng các thiết bị của mình để do thám.

Hãng viễn thông lớn nhất châu Âu, Deutsche Telekom của Đức trước đó cũng đã công bố đạt được thỏa thuận với tập đoàn Huawei cho mạng lưới 5G trong tương lai.

Tác giả: Hoàng Vũ

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok