Nguyễn Văn Hiệp (31 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) lê từng bước nặng nề vào phòng xử án của TAND Cấp cao tại TP HCM. Ánh mắt hoang dại, dữ tợn của Hiệp chỉ dịu xuống khi nhìn thấy người đàn bà tiều tụy trong bộ áo cũ đã ngả màu đang run rẩy định lao đến ôm bị cáo. Đó là mẹ ruột của Hiệp.
Ra tay man rợ
Hiệp sinh ra trong một gia đình thiếu vắng hạnh phúc, từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ chia tay rồi về sống chung với mẹ và cha dượng. Học đến lớp 11, Hiệp bỏ đi làm công nhân. Khoảng đầu năm 2013, Hiệp quen biết và có tình cảm với chị V.T.H.T (26 tuổi, quê Tây Ninh). Chị T. từng có chồng và con trai 5 tuổi. Sau khi ly hôn, chị T. làm nhân viên quán cà phê kiêm bán dâm. Không chê hoàn cảnh của chị T., Hiệp dọn về chung sống như vợ chồng. Lo cho tương lai, Hiệp bán miếng đất được mẹ cho lấy vốn cùng chị T. mở quán cà phê ở tỉnh Bình Dương. Được một thời gian ngắn, việc buôn bán ngày càng ế ẩm, thua lỗ, chị T. đòi trở lại hành nghề bán dâm. Hiệp ra sức can ngăn nhưng không được, từ đó cả hai thường xuyên gây gổ.
Ngày 15-8-2013, sau khi cãi nhau, Hiệp nảy sinh ý định giết chị T. nên mua 1 con dao rồi quay về quán cà phê. Tối cùng ngày, thấy chị T. đang nằm ngủ, Hiệp dùng dao đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Trong cơn cuồng sát, nhớ đến mâu thuẫn với cha dượng trước đó, Hiệp lấy xe máy của chị T. vượt gần 40 km về Bình Phước, đâm người em cùng mẹ khác cha và truy sát cha dượng. Chưa hết, gã còn dùng búa đập vào đầu người hàng xóm gây thương tích rồi đến trụ sở Công an xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đập phá.
Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt Hiệp mức án tù chung thân về các tội "Giết người", "Cướp tài sản", "Cố ý gây thương tích" và "Cố ý làm hư hỏng tài sản". Không đồng tình với bản án, VKSND tỉnh Bình Dương kháng nghị theo hướng tăng hình phạt lên tử hình đối với bị cáo Hiệp.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Hiệp thừa nhận các hành vi phạm tội rồi bất ngờ òa khóc nức nở. "Thực sự bị cáo rất yêu T. nhưng vì cô ấy không nghe lời khuyên ngăn, đi bán dâm nên bị cáo mới tức giận mà không kiềm chế được" - Hiệp nức nở.
Lý giải về hành vi truy sát cha dượng và em cùng mẹ khác cha, Hiệp khai do trước đây thường xuyên bị 2 người này nhục mạ, chửi mắng, bạo hành; còn việc gây thương tích cho người hàng xóm là muốn trả thù do bị lừa trong việc mua bán đất.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiệp tại phiên tòa phúc thẩm |
"Con ơi! Con sai rồi!"
Nghe con trình bày trước tòa, mẹ của Hiệp đau xót cho biết hôn nhân của bà đổ vỡ khi Hiệp còn quá nhỏ. Mong muốn có người đàn ông chăm sóc, bảo bọc, dạy dỗ con trai, bà quyết định đi thêm bước nữa. Thế nhưng, mẹ con bà đã không may mắn khi gặp phải người cha dượng ghét cay ghét đắng Hiệp. Mỗi khi không hài lòng bất cứ việc gì, ông đều bạo hành. Những trận đòn, những lời chửi mắng ám ảnh Hiệp cả trong giấc ngủ rồi tích tụ thành lòng thù hận. Càng lớn, Hiệp càng sống khép kín, bất mãn với cuộc đời mình.
"Hồi còn nhỏ, con tôi khù khờ, hiền lành lắm. Bị cha dượng đánh đập, chì chiết, dọa giết riết rồi nó bị trầm cảm, đầu óc có vấn đề nên mới như vậy!" - mẹ Hiệp phân trần.
Ngập ngừng một lát, bà đặt tay lên ngực, tự trách: "Bản thân tôi cũng có lỗi rất nhiều. Làm mẹ mà không chăm lo cho con có cuộc sống tốt hơn, không bảo vệ được cho con. Giờ tôi bị bệnh tim, chắc cũng không sống được bao lâu, chỉ mong con không bị tuyên án tử hình để còn có cơ hội được sống tiếp".
Tòa nghị án, Hiệp co rúm người, quỳ gục xuống nền nhà khóc như một đứa trẻ rồi lảm nhảm một mình. Bất chợt, bị cáo ngồi bật dậy, gào lên: "Mấy người cứ đặt vào hoàn cảnh như tôi đi, sống cuộc đời như tôi đã sống đi. Các người thử đi rồi sẽ hiểu!".
Hiệp lại òa khóc rồi ngoảnh về phía sau tìm mẹ như tìm một chỗ dựa tin tưởng: "Mẹ ơi! Con nói vậy hợp lý không? Con không giết người phải không? Con không phạm tội đúng không? Con chỉ lỡ tay đâm T. chứ không cố ý phải không?". Mẹ Hiệp tiến lại gần con hơn một chút, nhẹ nhàng khuyên: "Con ơi! Con sai rồi! Con xin lỗi mọi người đi!".
Hiệp cứ ngồi vậy lẩm bẩm những câu không đầu không cuối rồi lại ôm mặt khóc...
Còn hy vọng đoàn tụ Sau khi nghị án, xét thấy bị cáo Nguyễn Văn Hiệp phạm tội trong hoàn cảnh ức chế bị dồn nén lâu ngày, có biểu hiện rối loạn nhân cách, mất kiểm soát hành vi, được gia đình người bị hại xin giảm án... nên theo HĐXX, mức án tòa cấp sơ thẩm áp dụng là thỏa đáng, không cần thiết phải tăng nặng, giữ nguyên hình phạt tù chung thân. Nghe tòa tuyên xong, mẹ Hiệp giàn giụa nước mắt, chạy theo con đang bị dẫn giải ra xe tù. "Nếu may mắn, tôi vẫn còn hy vọng đoàn tụ với con" - bà nói. |
Tác giả: Quốc Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động