Trong tỉnh

Huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa: Dân khổ vì các mỏ đất

Nhiều năm qua, người dân sinh sống tại huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) bức xúc về tình trạng hàng loạt các mỏ đất san lấp (bao gồm mỏ trái phép và có phép) đang phá vỡ đi hệ sinh thái tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Người dân đã nhiều lần phản ánh tới cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý.

Các ngọn đồi phủ đầy cây xanh tại xã Hợp Thắng đã biến mất sau ít năm mỏ đất đi vào hoạt động. Ảnh: Gia Hân

Dân "khát nước" bên những mỏ đất

Tại thôn 4, thôn 5 (xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn), khoảng 2 năm trở lại đây, người dân trong thôn đã bắt đầu phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt vì nguồn nước ngầm tại các giếng khơi đang dần cạn kiệt. Ngay cả biện pháp khoan giếng để tìm nước sinh hoạt cũng không chiều lòng người dân, có hộ khoan đi khoan lại, cạn kiệt kinh tế vẫn chưa tìm được mạch nước để dùng.

Tìm hiểu được biết, hơn 10 năm về trước, nơi đây vốn là những dãy núi, thảng đồi mênh mông bao phủ bởi cây cối xanh mướt. Không khí trong lành, thu nhập kinh tế từ những khoảnh keo, chàm… cho người dân một cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về đất san lấp mặt bằng, giao thông… đã khiến cho những thảng đồi không được tồn tại đúng nghĩa vốn có của nó và trở thành mục tiêu khai thác của con người. Đầu tiên là các hoạt động khai thác đất trái phép nhỏ lẻ của "đất tặc". Các hộ dân vì chút lợi ích trước mắt đã không ngần ngại, lén lút thỏa thuận với các đầu nậu san lấp, bán đi toàn bộ diện tích đất vườn đồi của mình với lý do "hạ độ cao đất vườn, tạo mặt bằng để làm nhà".

Ông Đinh Quang Đồng (Trưởng thôn 4, xã Hợp Thắng) cho biết, sau khi mỏ đất tại xã Hợp Thắng được cấp phép, cùng với hoạt động khai thác trái phép nhỏ lẻ, liên tục ngày cũng như đêm từng đoàn xe trọng tải lớn nối đuôi nhau vào ra tấp nập, vận chuyển đất đi san lấp, cả xã lúc nào cũng ầm vang tiếng máy múc, tiếng xe như trong một đại công trường. Mọi con đường trong xã bị các xe trọng tải lớn này băm nát, bụi mù mịt bao phủ cả xóm làng. Người dân không chịu nổi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên xã, huyện nhưng đều không được cấp ngành, chính quyền địa phương xử lý triệt để.

Ông Đồng nói: "Ngày trước, 100% người dân dùng nước giếng khơi để sinh hoạt thì hiện nay không thể dùng được nữa. Nguyên do, một số quả đồi đã bị san phẳng, nguồn nước ngầm dần bị cạn kiệt, có hộ phải khoan sâu tới trên 90m nhưng cũng không tìm được nước sạch. Nếu tình trạng khai thác này kéo dài, chẳng bao lâu người dân sẽ không còn nước để dùng".

Không chỉ xã Hợp Thắng mà các xã Thọ Tiến, Thọ Cường... cũng là những địa phương nằm trong tình cảnh tương tự. Đơn cử xã Thọ Tiến, suốt từ năm 2010 đến nay, tình trạng khai thác đất trái phép cũng như có phép không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, nguồn nước ngầm cạn kiệt, ô nhiễm môi trường mà việc vận chuyển đất của các xe vận tải cũng đang là căn nguyên chính khiến những tuyến đường giao thông nông thôn, đường quốc lộ bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cần xem xét lại chủ trương cấp phép mới

Ông Trịnh Văn Luận – Chủ tịch UBND xã Thọ Tiến trao đổi với phóng viên về thực trạng khai thác đất trên địa bàn xã.

Theo người dân địa phương, dù được cấp phép trong giới hạn nhất định nhưng một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự hợp pháp của mình để khai thác ra bên ngoài chỉ giới mỏ. Đặc biệt, sau khi hết thời hạn khai thác và phải đóng cửa mỏ theo quy định, doanh nghiệp lại tiếp tục xin được hoàn trả mặt bằng và tận thu để tiếp tục khai thác và vận chuyển đất ra ngoài bán.

Ông Trịnh Văn Luận – Chủ tịch UBND xã Thọ Tiến cho biết: "Do một số doanh nghiệp tận dụng việc tận thu quá mức, ngày đêm cho xe trọng tải lớn rầm rộ vận chuyển đất ra ngoài đi bán nên chúng tôi đã phải nhờ sự hỗ trợ của huyện và các cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản và xử phạt. Có doanh nghiệp đã bị xử phạt 50 triệu đồng".

Trước thực trạng trên, UBND huyện Triệu Sơn đã yêu cầu người đứng đầu chính quyền các xã phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép tại địa phương. Từ cam kết này, nhiều Chủ tịch UBND xã đã bị đưa lên "bàn cân" xem xét trách nhiệm.

Trong khi UBND huyện Triệu Sơn đang căng mình đối phó với nạn "đất tặc", cũng như việc các mỏ đất khai thác sai chỉ giới thì ngày 5/7/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có công văn số 8626 đồng ý với đề nghị của Sở Xây dựng, chấp thuận chủ trương đưa thêm 5 khu vực mỏ đất san lấp tại các xã Hợp Thắng, Thọ Cường và Thọ Tiến vào "quy hoạch". Chủ trương này của UBND tỉnh Thanh Hóa đang tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều từ người dân. Trong đó, phần đa là đều khá lo lắng do hệ lụy từ việc cấp phép các mỏ đất này gây ra.

Có thể thấy, việc quy hoạch mỏ đất để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, trong khi thực trạng khai thác đất của các đơn vị đang gây ra nhiều hệ lụy thì việc UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương mới cần phải xem xét lại. Việc cấp phép mới không những làm nóng thêm tình hình mà sẽ có những tác động không tốt đến đời sống người dân.

Tác giả: Gia Hân

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok