Trong tỉnh

Huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Tính mạng người dân treo bên sườn núi

Hoạt động nổ mìn khai thác, xay nghiền, tập kết, vận chuyển… tại mỏ đá của một doanh nghiệp chỉ cách cụm dân cư thôn Tân Phúc (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) 75 - 100m, đã và đang gây ra hàng loạt hệ lụy. Nhưng nghiêm trọng hơn, tính mạng của hàng chục hộ dân nơi đây đang bị đe dọa.

Mỏ đá của Công ty Thành Phát có vị trí nằm sát khu dân cư. Ảnh: Ngọc Hưng

Nỗi khổ sống bên mỏ đá

Con đường từ trung tâm xã Tân Trường về thôn Tân Phúc đã bị “cày nát” do xe quá tải hoạt động. Liên tiếp các ổ voi, ổ gà khiến chúng tôi phải vật lộn một thời gian khá dài mới đến được vị trí gần mỏ đá.

Một người dân nơi đây cho biết: “Xe vận tải chở đá chạy rầm rầm cả ngày thì đường quốc lộ cũng hỏng chứ đừng nói đường nông thôn. Hàng năm, chính quyền xã lại đổ đất, đá mạt rồi cho máy ủi lu lèn nhưng chỉ được vài hôm là hư hỏng. Con đường này, trời mưa lầy lội, nắng lên thì bụi mù mịt... Những hệ lụy đó không những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, làm ăn kinh doanh mà sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ”.

Chị N.K.T (nhà ở gần mỏ đá) còn chưa hết hoảng hồn kể lại, có lần người ta nổ mìn phá đá khiến con gái nhỏ của chị đang nằm ngủ với mẹ bỗng rơi bịch xuống đất vì rung chấn. Con khóc thét vì sợ hãi, còn chị bức xúc không kềm chế nổi đã trực tiếp đến khu mỏ túm cổ áo người nổ mìn. Chị T cho biết thêm, cái chuồng bò vợ chồng chị dành dụm bao năm mới xây dựng được kiên cố cũng bị thủng lỗ chỗ vì nổ mìn, đá văng vào. Chị bảo: “Chúng tôi “kêu” chán rồi, nhưng chưa thấy đơn vị nào giải quyết”.

Cùng bị ảnh hưởng, gia đình ông Nguyễn Văn Huế lo lắng: “Căn nhà vợ chồng tôi đang ở xuất hiện nhiều vết nứt kể từ khi mỏ đá hoạt động. Họ cứ nổ mìn, xay nghiền đá rầm rầm cả ngày đêm thì chúng tôi sống sao nổi? Những tưởng tuổi già sẽ có cuộc sống yên bình, thanh tĩnh nào ngờ... phải đối diện với tình cảnh này”.

Chỉ cho chúng tôi các vết nứt tường nhà, ông Huế cho biết, ông và một số hộ dân đã làm đơn phản ánh với chính quyền. Đơn vị khai thác mỏ đá và chính quyền xã cũng nhiều lần hứa sẽ giải quyết, kiểm kê, đền bù và có hướng di dời các hộ dân. Tuy nhiên đến nay, mọi việc vẫn chưa có gì thay đổi.

Vì sao khó giải quyết?

Tìm hiểu của PV được biết, ngày 17/4/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 135/GP-UBND cho phép Công ty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Thành Phát (Công ty Thành Phát - số 144A, đường 4, khu liền kề Tân Hương, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) được khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại núi Gò Trường (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia).

Ngày 22/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ra giấy phép số 325/GP-UBND, cho phép Công ty Thành Phát được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Tại điều 2 của giấy phép: Theo phương án nổ mìn được Giám đốc Công ty Thành Phát phê duyệt tại Quyết định số 23/QĐ-CT ngày 1/8/2017, được Sở Công thương thẩm tra tại Công văn số 860/SCT-KT&ATCN ngày 7/8/2017, yêu cầu Công ty Thành Phát thực hiện đúng phương án nổ mìn đã được lập, kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo theo quy định; bán kính nổ mìn cách nhà ở của dân tối thiểu 300m, cách công trình, thiết bị tối thiểu 150m; đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản theo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy định về cấp phép, cấp quyền cho Công ty Thành Phát là vậy. Song thực tế, việc thực hiện của Công ty này lại trái ngược, như: khoảng cách nổ mìn đến cụm dân cư không đảm bảo gây ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân, ô nhiễm môi trường cùng những bất cập khác khiến người dân nơi đây bức xúc.

Ngày 4/5/2018, UBND xã Tân Trường đã có văn bản trả lời đơn thư kiến nghị của một số hộ dân thôn Tân Phúc đối với Công ty Thành Phát. Cụ thể: Ngày 13/4/2018, UBND xã Tân Trường nhận được đơn thư kiến nghị của các ông Lê Tăng Xa, Vũ Văn Quang, Nguyễn Văn Huế về việc khai thác đá của Công ty Thành Phát làm ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân. Qua kiểm tra thực tế phản ánh, cả 3 hộ dân có đơn kiến nghị đều nằm trong khoảng cách không an toàn về người khi công ty nổ mìn (bán kính từ vị trí nổ mìn đến 3 hộ dân là 300m); nhà của 3 hộ có bị nứt (khó xác định được nguyên nhân); ngoài ra hộ gia đình ông Lê Tăng Xa do Công ty đổ đá, đất... làm đổ tường rào và chuồng trại chăn nuôi (Công ty đã khắc phục xây dựng lại)...

Văn bản của UBND xã Tân Trường cũng nêu rõ: Yêu cầu Công ty nổ mìn và xay nghiền đá đúng thời gian quy định, đúng lượng thuốc nổ. Công ty phải khắc phục về vấn đề môi trường như quá trình sản xuất, xay nghiền phải có vòi phun nước tại các vị trí gây bụi; có hệ thống bờ đá, đất phía ngoài mỏ giảm thiểu bụi, tiếng ồn; thuê công nhân quét dọn, tưới nước thường xuyên...

Đồng thời văn bản cũng yêu cầu, Công ty Thành Phát phải thỏa thuận, hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do sản xuất, kinh doanh, khai thác mỏ (trước ngày 31/5/2018). Phía Công ty thống nhất với ông Nguyễn Văn Huế cho kiểm kê, thỏa thuận mua lại nhà và đất ở của gia đình ông để gia đình di chuyển đi nơi khác. Trong khi khai thác, sản xuất làm thiệt hại công trình, tài sản của các hộ dân, Công ty phải có trách nhiệm bồi thường, khắc phục...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bê - Chủ tịch UBND xã Tân Trường thừa nhận mỏ đá của Công ty Thành Phát có vị trí quá gần với khu dân cư và phát sinh nhiều hệ lụy, tuy nhiên đến nay xã vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để những tồn tại trên.

Từ thực tế này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao mỏ đá có vị trí, khoảng cách không đảm bảo an toàn với khu dân cư nhưng vẫn được cấp phép hoạt động? Vì sao kiến nghị xin được tái định cư đi nơi khác của người dân vẫn chưa được thực hiện? Vì sao những hệ lụy về môi trường, đường sá, cũng như nhà cửa của người dân nứt nẻ... đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để?

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: huyện tĩnh gia , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok