Trong tỉnh

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Khởi sắc công tác xuất khẩu lao động

Xác định công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Những năm qua, huyện Thọ Xuân luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác XKLĐ. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, công tác XKLĐ ở Thọ Xuân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhờ vào XKLĐ, hàng trăm hộ gia đình nơi đây không chỉ đã thoát được nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu…

Làm tốt công tác tuyên truyền

Để thực hiện có hiệu quả công tác XKLĐ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thọ Xuân đã tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành kế hoạch XKLĐ hàng năm, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn. Tích cực tuyên truyền để từng người dân, người lao động hiểu, XKLĐ là một trong những hướng đi đúng giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững và dần làm giàu.

Trên cơ sở đó, huyện Thọ Xuân đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) XKLĐ của huyện, phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các phòng, ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến mọi người dân về mục đích ý nghĩa của XKLĐ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và thị trường XKLĐ; phối hợp với các doanh nghiệp có phép tuyển dụng, tổ chức các cuộc tham vấn cộng đồng cho cán bộ thôn, người lao động về XKLĐ, thông báo thị trường, ngành, nghề lao động cần tuyển dụng, mức phí, thu nhập và các quy định khi tham gia XKLĐ; đưa tin tuyên truyền những gia đình có người đi XKLĐ có hiệu quả; tuyên truyền vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn, cung cấp danh sách lao động hết hợp đồng, sắp hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc cho các xã, thị trấn để tuyên truyền vận động người lao động về nước nhằm giảm tỷ lệ lao động sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc; giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về vay vốn, hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động tham gia XKLĐ.

Để công tác XKLĐ trên địa bàn có hiệu quả, Thọ Xuân đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo các xã, thị trấn. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ của từng thành viên, mà nòng cốt là Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên các xã, thị trấn. Tích cực phối hợp có hiệu quả giữa BCĐ XKLĐ cấp huyện với UBND các xã, thị trấn và công ty XKLĐ tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện; tổ chức các hội nghị cấp xã, cụm, thôn nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân về vai trò của XKLĐ đối với công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo của địa phương; nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo và dần làm giàu đối với người dân.

Lá cờ đầu trong công tác XKLĐ của tỉnh

Với cách làm sáng tạo, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, những năm gần đây, Thọ Xuân luôn thực hiện tốt công tác XKLĐ, được tỉnh đánh giá cao. Trong 3 năm, 2015, 2016, 2017, huyện có 1.237 lao động đi XKLĐ (năm 2015: 300 người; năm 2016: 453 người; năm 2017: 484 người), bình quân hàng năm có trên 400 lao động tham gia XKLĐ, thị trường chủ yếu ở các nước: Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan, Ả rập xê út, Hàn Quốc, Nga, Lào... Hàng năm số tiền lao động từ nước ngoài gửi về trên 10 tỷ đồng góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo nhanh và bền vững. Những gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài cơ bản thoát nghèo, nhiều nhà đã vươn lên làm giàu góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Bà Trịnh Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Phong nói về ngôi nhà của gia đình chị Lê Thị Hoa làm từ tiền đi XKLĐ

Chị Lê Thị Hoa, thôn 6, xã Xuân Phong là một trong những gia đình thuộc diện giàu có trong xã cho hay: “Tôi có chồng là Phùng Đình Tuấn hiện đang lao động tại Ma Cao - Trung Quốc, hàng tháng anh thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Nhờ có XKLĐ, gia đình tôi đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu”. Còn chị Hoàng Thị Mai, thôn 7, xã Xuân Phong vui mừng cho hay: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, làm quần quật quanh năm chỉ đủ ăn. Sau 3 năm đi XKLĐ ở Đài Loan, giờ đây gia đình tôi đã thoát được nghèo, có điều kiện lo cho các cháu ăn học và còn phần tích luỹ để làm ăn phát triển kinh tế gia đình”.

Phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trong công tác XKLĐ, ông Trương Hùng Thanh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thọ Xuân cho biết: “Trước đây, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nên người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động ở các nước, khiến họ còn e ngại khi tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác XKLĐ, chưa hiểu hết vai trò của XKLĐ đối với công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Trong khi đó, đa phần người lao động chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt, tác phong lao động công nghiệp; năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn yếu và có tâm lý ngại đi làm ăn xa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, đến nay, người lao động hiểu rõ hơn vai trò của XKLĐ - là con đường giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững và dần làm giàu”.

“Thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ - xem đây là một trong những hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng về công tác XKLĐ để người lao động hiểu, tham gia; lựa chọn những công ty XKLĐ có năng lực, uy tín mới được tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn.

Đây cũng sẽ là cơ sở để huyện thực hiện mục tiêu trong năm 2018, đưa được 500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và cũng là một trong những giải pháp để Thọ Xuân thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo” - ông Thanh nhấn mạnh.

Tác giả: HOÀNG MINH

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok