Kè bờ biển thi công dang dở. Ảnh: Ngọc Hưng |
Dự án dang dở...
Dự án đê kè biển ở huyện Quảng Xương được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án khởi công cuối năm 2016, thời gian thi công trong vòng 36 tháng. Đến thời điểm hiện tại dự án chỉ mới thi công được hơn 400m tại bờ biển của xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương). Trước đây khi chưa có dự án, rừng phi lao chắn sóng được người dân trồng rộng hàng chục hecta, dài hàng trăm mét dọc bờ biển. Tuy nhiên, khi dự án được triển khai, diện tích rừng phi lao bị chặt bỏ.
Ông Tô Thành (xã Quảng Thái) cho biết: “Từ khi có dự án làm đê kè biển chúng tôi rất vui mừng vì được nhà nước quan tâm, lo lắng cho nhân dân sống ven biển. Ngày trước, bãi biển còn cách xa lắm, rừng cây phi lao chắn sóng cách đê từ 50-60m. Thời gian gần đây biển xâm thực nhanh quá, cứ tình trạng như thế này chẳng mấy chốc biển ăn sâu vào khu dân cư nên chúng tôi rất mong dự án sớm được hoàn thành”.
Cùng chung tâm trạng lo âu, bà Lê Thị Thảo (xã Quảng Thái) chia sẻ: “Từ bao đời nay, chúng tôi trồng phi lao để chống lại sự xâm thực của biển. Từ khi có dự án, nhiều người đã phá bỏ hàng chục hecta rừng để nhường chỗ cho dự án đê kè biển. Nếu dự án dừng thi công kiểu này mùa mưa bão đến rất nguy hiểm cho người dân, nguy cơ biển xâm thực, cuốn trôi đi tất cả rất cao. Tính đến thời điển hiện nay là hơn một năm, mà dự án vẫn thi công ì ạch được vài ba trăm mét thì thì đến khi nào mới xong. Chúng tôi rất mong nhà nước quan tâm sớm cho triển khai dự án, nếu không để người dân trồng lại cây phi lao chắn sóng để giữ đất, bảo vệ tính mạng, tài sản người dân”.
Dự án đê, kè biển trên được định mức đầu tư 181,3 tỷ đồng. Trong đó 121 tỷ đồng nhằm xây lắp chiều dài tuyến hơn 3,3km dọc bờ biển. Dự án trên nhằm mục đích phòng chống lụt bão, hạn chế thiệt hại do lụt bão gây ra, tạo thành âu tránh trú bão cho ngư dân. Ngoài ra, dự án còn tạo mặt bằng sạch cho các khu du lịch ven biển nhằm phát triển kinh tế địa phương của các xã ven biển thuộc bãi ngang của huyện Quảng Xương và một phần các xã thuộc thành phố Sầm Sơn.
Dự án trăm tỉ đắp chiếu vì thiếu vốn
Dự án đê, kè biển tại xã Quảng Thái có khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, từ ngày dự án tạm dừng thi công khiến cho việc đi biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Trước đây khi chưa có dự án thì rừng phi lao được bà con ngư dân coi đó là nơi trú ẩn tàu thuyền khi có bão lụt nhưng nay họ phải di chuyển đi xa hơn để neo đậu khi có bão làm nước biển dâng.
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn khối bê tông đã được nhà thầu đúc sẵn, hàng trăm cống thoát nước được hoàn thiện nằm ngổn ngang, hàng ngày chỉ khoàng 5-7 công nhân đến đúc bê tông, dọn dẹp lặt vặt. Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại dự án mới chỉ thi công được khoảng 25% đoạn bờ biển xã Quảng Thái, khâu giải phóng mặt bằng vẫn dậm chân tại chỗ, nhiều máy móc phục vụ thi công đã bắt đầu hoen gỉ do nước biển ăn mòn.
Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do dự án mới được giải ngân 29,495 tỷ đồng (khoảng 16%). Đặc biệt, trong năm 2017- 2018 dự án chưa được giải ngân nên công trình tạm thời dừng thi công hoặc chỉ thi công cầm chừng. "Trong khi dự án mới chỉ khởi công tại xã Quảng Thái nhưng nhiều hecta rừng phòng hộ ven biển tại xã Quảng Lợi đã bị chặt hạ từ lâu, giờ chỉ còn trơ gốc. Thậm chí, đê chắn bị múc sâu tới hàng mét khiến việc đi lại, cũng như vận chuyển hải sản, ngư lưới cụ đánh bắt vô cùng khó khăn. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp để hoàn thiện dự án cho nhân dân chúng tôi yên tâm”, một người dân nói.
Trao đổi với PV, ông Phạm Trung Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết: “Dự án đê, kè biển kéo dài trên địa bàn hai xã Quảng Thái và Quảng Lưu triển khai thi công cuối năm 2016. Nhưng từ đầu năm 2018 tới nay, dự án dừng thi công, nhà thầu đã di chuyển máy móc, phương tiện ra khỏi công trình gần hết. Hiện ở thôn 1 đã thi công được 400m, còn tại thôn 6 chỉ mới giải phóng được mặt bằng. Cảnh quan bờ biển bị biến đổi, ngư dân không còn chỗ neo đậu tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt trên biển. Mùa mưa bão sắp đến, chính quyền địa phương và người dân rất lo lắng khi công trình vẫn dở dang. Nếu có một cơn bão mạnh cỡ cấp 11, tính mạng, nhà cửa, tài sản của hơn 300 hộ dân ở sát bờ biển sẽ bị đe dọa nghiêm trọng”.
Tác giả: Ngọc Hưng - Viết Huy
Nguồn tin: giadinh.net.vn