Trong tỉnh

Huyện Quan Hóa, Thanh Hóa: Biết nguy hiểm, dân vẫn phải nài xin qua sông

Sau trận lũ kinh hoàng 8/2018, cây cầu treo Pan độc đạo nối các bản Mí, Pé và Bá của xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa) bị hư hỏng, không thể đi lại. Từ đó đến nay, người dân muốn qua sông chỉ còn cách 'đánh cược' tính mạng của mình trên những con thuyền mộc, xuồng nhỏ không đủ an toàn.

Người dân đánh cược tính mạng trên con xuồng mộc không đảm bảo an toàn khi qua sông. Ảnh: Gia Hân

"Cược" tính mạng qua sông

Những ngày mưa rả rích đầu tháng 3/2020, con đường lên với bà con xã nghèo Phú Xuân (huyện Quan Hóa) trở nên cực nhọc hơn bao giờ hết. Điều quan trọng, để đến được bản các bản Mí, Pé và Bá của xã này chúng tôi phải di chuyển qua sông Mã trên con thuyền nhỏ chòng chành, có thể úp lật, nhấn chìm bất cứ lúc nào. Con xuồng nhỏ không đủ an toàn đã đành, trang thiết bị cứu trợ cũng không đầy đủ. Nguy cơ là vậy, thế nhưng trước mắt chúng tôi, không chỉ người dân lao động mà các em nhỏ cũng phải lên xuồng qua sông. Giật mình hơn, tình trạng này đã tồn tại gần 2 năm qua khiến hơn 1.500 nhân khẩu các bản nghèo nơi đây phải đối mặt hàng ngày.

Quan sát người dân qua lại khúc sông sâu, gần như tất cả đang cố gắng níu nài người chủ xuồng cho qua trước. Mớ rau, mớ quả, có khi sọt măng hái đem ra trung tâm xã bán… nếu không qua sông sớm thì không bán kịp. Cũng bởi vậy, nhiều người khi lên được xuồng cũng cố gắng tải cho đủ những vật dụng, hàng hóa. Con xuồng nhỏ, người nhiều, hàng hóa cồng kềnh khiến cho chuyến vượt sông càng trở nên nguy hiểm.

Một người dân bản Bá cho biết, cây cầu Pan có vai trò đặc biệt trong giao thương, đi lại của bà con các bản nơi đây để ra trung tâm. Khó khăn lắm mới có một cây cầu, nhưng bão gió làm hư hỏng khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. "Mỗi lần lên xuồng qua sông là lo nơm nớp chuyện bị lật. Nước sông cạn còn đỡ, chứ như mấy hôm nay, nước dâng cao chảy siết rất nguy hiểm. Nhưng không lên xuồng qua sông thì chẳng còn con đường nào khác", người dân này cho hay.

Trong khi đó, một hộ dân khác ngao ngán: "Gia đình tôi đang sửa lại cái bếp, muốn mua vật liệu xây dựng cũng khó vì không biết vận chuyển qua sông thế nào. Cả khúc sông có con xuồng nhỏ, nhu cầu đi lại lớn, phải chờ khi không có người qua thì mình mới thuê vận chuyển được. Không biết tới bao giờ cây cầu mới được xây mới? Cứ đà này, dân đã nghèo lại càng vất vả".

Cách không xa là cây cầu treo cũ đã bị biến dạng qua năm tháng. Hai đầu bờ, các mố cầu nghiêng ngả. Tìm hiểu được biết, trong đợt mưa lũ 8/2018 đã làm cầu Pan bị hư hỏng hoàn toàn. Vì sao cây cầu có vai trò thiết yếu như vậy nhưng vẫn chưa được sửa chữa hoặc xây mới đang là câu hỏi của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Chờ cầu tới bao giờ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Hồng Quản - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, cầu Pan được xây dựng từ những năm 2000. Trận lũ năm 2018 đã làm cho cây cầu bị cuốn lật, cầu bị hư hỏng nặng không thể sửa chữa. Để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, xã đã bố trí một chiếc xuồng, chở mỗi lần qua sông khoảng 10 - 15 người. Hàng tháng phải chi trả cho chủ xuồng 5 triệu đồng. Số tiền này xã kêu gọi sự chung tay đóng góp của người dân và mạnh thường quân trong xã. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài cho hơn 1.500 nhân khẩu đi lại, làm ăn, học hành, phát triển kinh tế là...

Câu hỏi vì sao đến nay cầu vẫn chưa được xây dựng lại, ông Quản cho biết, trách nhiệm xây dựng cây cầu là của thủy điện Hồi Xuân. Từ năm 2018 (trước khi trận lũ làm hỏng cầu Pan), phía thủy điện Hồi Xuân đã đầu tư xây dựng cây cầu treo kiên cố để hoàn trả lại cây cầu cũ cho người dân. Tuy nhiên, sau khi làm được 2 mố cầu (trụ cầu bằng bê tông) thì dừng thi công từ đó tới nay.

Ông Quản mong mỏi: "Chúng tôi rất mong phía thủy điện Hồi Xuân sớm có trách nhiệm hoàn trả, xây dựng lại cây cầu cho dân để có thể đi lại. Tuy nhiên, đã 3 năm nay dự án gần như không triển khai, khiến cho dự án dân sinh cũng kéo dài thêm. Mặc dù đã nhiều lần chính quyền xã, huyện báo cáo, kiến nghị qua các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như các kỳ họp HĐND nhưng kết quả vẫn phải… chờ".

Cũng theo ông Quản, việc cây cầu không được xây dựng mới gây ra hàng loạt hệ lụy. Hiện các công trình xây dựng của xã phải gác lại vì không vận chuyển được vật liệu xây dựng. Nếu như cây cầu không sớm được xây dựng lại, cuộc sống của hàng trăm hộ dân, cả nghìn nhân khẩu các bản xã nghèo sẽ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn do bị cô lập.

Theo ông Trương Nho Tự - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, việc cây cầu dân sinh đến nay vẫn chưa được phía thủy điện Hồi Xuân tiếp tục xây dựng cho người dân là do chủ đầu tư khó khăn về tài chính. Cũng vì vậy mà đến nay dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thể vận hành. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh, cũng như các bộ ngành chức năng xem xét giải quyết nhưng vẫn chưa có kết quả.

Tác giả: Gia Hân

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok