Thầy giáo Phạm Văn Kiên - Hiệu trưởng trường PTDTBT-THCS Tam Chung nhặt nhạnh đồ dùng của học sinh đem ra phơi nắng.
GD&TĐ - Trận lũ kinh hoàng xảy ra đã gần 10 ngày, nhưng đến bây giờ thầy, cô giáo ở trường Phổ thông dân tộc bán trú- Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng.
Bởi lẽ, khi lũ ập về cũng là lúc ở trong hai dãy nhà bán trú của trường đang có 48 học sinh vừa ngủ dậy. Một điều may mắn nhất đó là toàn bộ 48 học sinh ấy đều thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.
“Nếu lũ đổ về ban đêm thì….”
Trò chuyện với phóng viên GD&TĐ, thầy giáo Phạm Văn Lam – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Sáng hôm đó (30/8), khoảng 6h45 phút thì các thầy, cô trong trường thấy nước từ phía đỉnh nút Lát đổ về theo dòng suối rất lớn và khác thường. Cảm nhận được sự nguy hiểm nên tất cả các thầy cô giáo có mặt tại trường lúc đó liền chạy lên gọi các em học sinh nhanh chân ra khỏi phòng ở.
Những dấu vết của các dòng lũ từ trên đỉnh núi Lát đổ về phía sau trường PTDTBT-THCS Tam Chung (lợp mái đỏ). |
Sau khi kêu gọi được toàn bộ 48 học sinh ra ngoài thì dòng lũ từ sườn núi đổ xuống kéo theo bùn đất ập vào khu hai dãy nhà từ phía sau. Thế nhưng, khi các em chạy ra ngoài được rồi thì lại gặp trời mưa to, trong khi mỗi em trên người chỉ có bộ quần áo nên ướt hết. “Hoảng nhất là lúc các thầy cô giáo trong trường hô hoán học sinh chạy về hướng an toàn thì có ba em học sinh lại chạy rẽ sang hướng khác. Khi tập trung các em ở nhà văn hóa của bản và tiến hành kiểm đếm thì thiếu mất ba em này. Ngay lúc đó, các thầy, cô giáo tỏa đi các nơi để tìm. May sao, khi hai em chạy ngược hướng thì gặp người dân trong bản đã đưa hai em vào nơi tránh trú an toàn”- thầy Lam kể lại.
Còn thầy giáo Phạm Văn Kiên – Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Tam Chung dường như vẫn còn bàng hoàng bởi trận lũ gây ra. Thầy Kiên, bảo: “May mắn vô cùng là thời điểm lũ ập về không phải ban đêm, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bởi lẽ lúc đó, trong hai dãy nhà bán trú đang có 48 học sinh”.
Bữa cơm trưa của bà Lương Thị Tưởng (67 tuổi), bản Poọng cùng các con, cháu tại nơi sơ tán. |
Cũng theo thầy Kiên, khi các giáo viên trong trường đưa được toàn bộ học sinh về nhà văn hóa bản, thì quần áo em nào em nấy đều ướt sũng. “Sau khi tập hợp và điểm danh đủ số lượng học sinh, nhà trường đã cử các thầy giáo Bùi Văn Long, Nguyễn Hoàng Hải, Hoàng Văn Chùng và hai cô giáo Phạm Thị Nhuận, Hà Thị Cam về thị trấn Mường Lát mua quần áo cho các em mặc và mua bánh mì cho các em ăn. Đến trưa, các thầy cô giáo lo nấu cơm cho học sinh ăn xong rồi báo cho phụ huynh các em lên đón về nhà. Quả thật, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh kinh hoàng như vậy”- thầy Kiên tâm sự.
Tìm phương án tái thiết bản bị lũ “xóa sổ”
Trận lũ kinh hoàng xảy ra khiến người dân bản Poọng xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) không kịp trở tay. Hàng trăm người dân bỗng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Chính quyền địa phương phải cứu hộ bằng cách đưa mấy chục hộ dân vào ở tạm tại Đồn Biên phòng, Trường Tiểu học và trụ sở của Ban Chỉ huy Quân sự huyện và lo nơi ăn, chốn ở tạm cho dân.
Bà Lương Thị Tưởng (67 tuổi) cùng các con, cháu (tất cả 5 người) đang phải ở tạm trong căn phòng học tại khu trường Tiểu học (cũ) của xã Tam Chung. Bữa ăn trưa nay (7/9) của bà Tưởng và các con cháu có cơm trắng, một chút cá kho và bát canh măng rừng. Bà Tưởng bảo: “Hai hôm nay gia đình bà và các hộ dân sống tạm ở đây được huyện cứu trợ mỗi hộ 25kg gạo. Có gạo để ăn trong lúc này là tốt lắm rồi. Còn nhà cửa của bà thì không còn gì cả, lũ cuốn trôi sạch rồi. Hôm lũ ập về, cả nhà không ai kịp lấy đồ đạc hay tài sản gì cả. Ai nấy hò nhau chạy, nên chỉ có bộ quần áo mang theo người thôi. Không biết bao giờ gia đình bà và bà con lối xóm được quay về bản. Khổ lắm, cơ cực lắm thôi.”
Cháu bé Vi Thị Huần – học sinh lớp 6A trường PTDTBT-THCS Tam Chung bị lũ cuốn hết đồ đạc và sách vở. |
Em Vi Thị Huần, nhà ở bản Poọng đang là học sinh lớp 6A, Trường PTDTBT-THCS Tam Chung, cho biết; Khi cơn lũ ập về bản, mọi người đều co cẳng chạy tán loạn. “Mấy hôm nay, cháu và bố mẹ cùng anh trai ra đây ở tạm vì nhà bị lũ xô sập và mất hết đồ đạc rồi. Bây giờ cháu không còn sách vở, đồ dùng học tập gì để đến lớp học nữa chú ạ”.
Sau đợt lũ dữ, bản Poọng gần như bị “xóa sổ”. Dù đã gần 10 ngày trôi qua, nhưng hàng trăm người dân ở bản này vẫn đang phải sơ tán vì không có nhà để về. Cuộc sống của họ đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Chính quyền địa phương đang xây dựng phương án tái thiết bản Poọng cho đồng bào nơi đây có chỗ ở ổn định.
Ông Hà Văn Thiếu – Chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết: Trận lũ kinh hoàng sáng 30/8 đã gây thiệt hại nặng nề tại bản Poọng. Cả bản có 89 hộ dân thì có 32 căn nhà bị sập, 47 nhà bị hư hại, toàn bộ 417 người dân bản Poọng hiện đang phải ở tá túc tại các điểm tập trung. Mưa lớn gây ra tình trạng sạt lở đất, đẩy trôi hàng nghìn khối bùn đất xuống địa bàn bản Poọng, có những chỗ bùn đất bồi lấp thêm cả mét. Bên cạnh đó vị trí hiện tại còn tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở đất trong những lần mưa lũ sau này. Chính vì vậy, UBND huyện Mường Lát buộc phải lên phương án di chuyển toàn bộ người dân bản Poọng đến nơi ở mới.
Ông Lương Minh Thông – Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Trong ngày 6/9 huyện Mường Lát đã tổ chức đoàn công tác đi tìm địa điểm tái định cư cho toàn bộ các hộ dân bản Poọng. Dự kiến, khu tái định cư cho các hộ dân sẽ được bố trí cách nơi ở cũ khoảng 2km. Sau khi thống nhất vị trí tái định cư, UBND huyện sẽ tiến hành san lấp mặt bằng để người dân có thể chuyển về nơi ở mới. Đối với các hộ dân có nhà cửa chưa bị hư hại nặng sẽ chuyển khung nhà ra dựng lại tại nơi ở mới. Phương án cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi mất nhà cửa là sẽ dựng nhà mới theo mẫu mà UBND huyện đang lựa chọn. Mẫu nhà mới vẫn là dạng nhà sàn của đồng bào nhưng là nhà lắp ghép khung sắt, có thể tháo lắp và di chuyển nhanh chóng. “Điều khó khăn nhất hiện nay là lũ gây thiệt hại quá nặng nề, nhiều hộ dân không còn khả năng làm nhà mới. Do đó, phương án của huyện là kêu gọi tất cả các nguồn hỗ trợ bên ngoài và ngay ở cán bộ UBND huyện, nhanh chóng giúp nhân dân bản Poọng sớm ổn định cuộc sống.”- ông Thông cho hay.
Hy vọng, những phương án và kế sách của huyện Mường Lát và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đưa ra sẽ sớm hoàn thành để giúp đồng bào nơi đây có cuộc sống ổn định và vợi bớt nỗi khó khăn.
Tác giả: Thái Dương
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại