"Thuốc lá điện tử xưa rồi!"
Ðộng tác thuần thục, tay cầm một dụng cụ hao hao chiếc thìa nhỏ có phần đầu chỉ nhỉnh hơn que tăm, vừa nhồi "thảo dược" vào thiết bị, "dân chơi" N.M.Huy vừa giải thích: "Trước kia, muốn "high" (hút cần - PV) là phải cuốn sâu kèn, vừa mất thời gian lại lỉnh kỉnh đồ nghề. Bây giờ dùng máy (máy hóa hơi cần sa) là có thể "high" mọi lúc mọi nơi, khói thoát ra lại ít nên người khác rất khó nhận ra". Tôi vừa ậm ừ "trông hao hao cái máy hút thuốc lá điện tử nhỉ" cho đỡ "quê" thì lại tiếp tục được Huy giảng giải: "Thuốc lá điện tử xưa rồi! Mấy cái hóa chất tạo vị đó làm sao bằng được "thảo dược" tận mắt tận tay thế này?". Tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của những thiết bị đang được các "dân chơi" nhồi, bấm, hút liên tục kia thì nhận được câu trả lời: "Bây giờ, mấy thứ máy như thế này bán trên mạng nhiều lắm, chỉ cần đặt mua là có người mang đến tận nơi, dễ như... mua rau ngoài chợ".
Ảnh minh họa |
Quả thật, khi dịch vụ trên in-tơ-nét và mạng xã hội đã nở rộ tại nước ta, tìm kiếm theo cụm từ "máy hóa hơi cần sa" sẽ cho ra hàng chục địa chỉ ngay lập tức. Dễ thấy rằng, các trang web này ngang nhiên quảng cáo, đăng thông tin về việc sử dụng cần sa một cách tùy tiện, núp bóng "dùng cho mục đích y tế". Không những vậy, nhiều địa chỉ còn đăng tràn ngập những bài viết rất vô lý, vô căn cứ, đại loại, như: "Phụ nữ dùng cần sa điều trị biến chứng thai kỳ", kèm hình ảnh một bà bầu tay cầm điếu thuốc (!?). Tương tự, trên các kênh chia sẻ như Youtube, có hàng trăm đoạn băng hình quảng cáo các loại máy hóa hơi cần sa cầm tay - tất nhiên là không được bất cứ cơ sở y tế nào cho phép.
Theo tìm hiểu của người viết bài, máy hóa hơi cần sa (weed vapporizer) ra đời với mục đích y tế và chỉ được sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền. Thiết bị có nhiều kích cỡ, nhưng loại được các "dân chơi" ưa chuộng nhất thường nhỏ vừa đủ cầm tay, để gọn trong túi áo, quần. Với kết cấu cơ bản gồm một buồng đốt, điều khiển bởi bo mạch thông qua hệ thống nút bấm đơn giản, người dùng chỉ cần đưa nguyên liệu vào buồng đốt rồi bấm nút, thiết bị sẽ đốt nóng đến hóa hơi thứ nguyên liệu đó. Bên cạnh đó, còn rất nhiều kiểu "máy" tự chế. Có loại chỉ đơn giản là khoét đuôi chiếc đèn bóng đốt và gia nhiệt bằng nến, hoặc thiết kế đủ thứ dây nối với một bộ phận dài như ống điếu thuốc lào...
Liên hệ "số điện thoại tư vấn" 0911551xxx của trang web mang tên "Diễn đàn cần sa y tế Việt Nam", chúng tôi lập tức được giới thiệu hàng chục mẫu máy hóa hơi cần sa cầm tay. Từ các loại máy nhỏ gọn với giá từ 1 đến 3 triệu đồng, người tự xưng là nhân viên tư vấn đon đả giới thiệu cả những bộ máy lên tới 12 đến 13 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là phần "căn bản" nhất của thú chơi mới nổi trong một bộ phận giới trẻ. Bởi, các "dân chơi" còn phải sắm sửa đủ loại dụng cụ đi kèm như thiết bị xay thảo dược, dung dịch vệ sinh, hộp đựng... với giá từ vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng mỗi loại. Quan trọng hơn cả là vô số loại "thảo dược" với các tên gọi lạ lùng như "cỏ thánh", "cúc La Mã", "hoa bia"... Tôi vờ am hiểu: "Cỏ thánh mới có à, giá cả sao nhỉ?" và nhận được câu trả lời: "Chỉ 130 nghìn đồng một gói, bảo đảm hàng chuẩn xách tay!".
Cần sớm ngăn chặn
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam (thuộc Tổng hội Y học Việt Nam) cho biết: Cần sa là một loại ma túy nhẹ, khi hút sẽ gây tác động mạnh gấp 70 lần thuốc lá. Cần sa có khả năng gây khoái cảm, đi kèm nhiều loại rối loạn tri giác, lo âu và rối loạn ý thức hành vi, đồng thời gây khó nhớ các sự việc, suy nghĩ không mạch lạc, giảm khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc... Sử dụng cần sa thường xuyên và trong thời gian dài, sẽ tăng nguy cơ mắc viêm phế quản, ung thư phổi hoặc các bệnh lý khác về đường hô hấp. "Không những giảm động lực làm việc, khả năng tập trung hay trí nhớ, cần sa còn khiến lượng nội tiết tố sinh dục nam, khối lượng tinh hoàn, sự sản sinh tinh trùng cũng như khả năng tình dục đồng loạt giảm", bác sĩ Trương Hồng Sơn lưu ý.
Cũng theo bác sĩ Sơn, cần sa là chất gây nghiện, tuy không mạnh như hê-rô-in nhưng vẫn mang lại ảo giác, từ đó gây nhiều tác hại cho xã hội, gia đình và chính bản thân người nghiện. Khi sử dụng cần sa, người nghiện sẽ có ảo giác khác thường: cảnh vật chung quanh trở nên rực rỡ, những người đứng gần trở nên to hơn hoặc hung tợn hơn. Nguy hiểm hơn, người nghiện trở nên hoang tưởng giống bệnh nhân tâm thần. Có trường hợp dùng thử nhưng chưa thấy nhiều ảnh hưởng, cho nên lầm tưởng cần sa không gây nghiện, thực chất chất gây nghiện trong cần sa đã nằm lại vỏ não dưới dạng tiềm thức, thúc đẩy họ tiếp tục sử dụng nếu có cơ hội.
Về việc những trang web, địa chỉ bán các thiết bị hóa hơi cần sa núp bóng "cần sa y tế", tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn khẳng định: Ở Việt Nam, "cần sa y tế" là khái niệm sai trái, theo nghĩa ngụy biện, gây hiểu sai về một loại chất gây nghiện bị pháp luật nghiêm cấm, buôn bán, tàng trữ, sử dụng. "Tại một số quốc gia trên thế giới, một số thành phần nhất định của cần sa được chiết xuất để sử dụng với mục đích y tế, còn các chất gây hưng phấn của loại cây nguy hiểm này sẽ được giảm đến mức thấp nhất. Những cá nhân đưa ra khái niệm này để che đậy hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm, nhằm trục lợi cá nhân", bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Theo Nghị định số 82/2013/NÐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ, cần sa là chất ma túy rất độc hại, được xếp vào danh mục I - các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học cũng như đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm... cần tuân theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, cho dù là cuốn "sâu kèn" hay sử dụng máy hóa hơi, cần sa rõ ràng là chất gây nghiện nguy hiểm, gây nhiều tác hại khôn lường đối với sức khỏe con người và về lâu dài kéo theo nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống an ninh, trật tự xã hội của quốc gia.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc những thiết bị này được "tuồn" vào trong nước theo đường tiểu ngạch. Ðồng thời, thắt chặt kiểm tra các cơ sở giả danh cung cấp "cần sa y tế" để trục lợi trên sức khỏe người dân; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, đặc biệt là người trẻ, tránh vướng vào tệ nạn nghiện hút dưới cái vỏ mỹ miều là "cần sa y tế".
Tác giả: LINH PHAN
Nguồn tin: Báo Nhân dân