Trong phiên giao dịch sáng nay (5/6), bất chấp thanh khoản sụt giảm song các chỉ số vẫn đạt được trạng thái tăng điểm. Cụ thể, VN-Index tăng 3,18 điểm tương ứng 0,33% lên 954,34 điểm còn HNX-Index tăng 0,44 điểm tương ứng 0,43% còn 103,5 điểm.
Số mã tăng giá áp đảo hoàn toàn so với phía giảm giá. Có 300 mã tăng và 34 mã tăng trần so với chỉ 191 mã giảm và 27 mã giảm sàn.
Thanh khoản đì đẹt với khối lượng giao dịch trên HSX chỉ đạt 73,95 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 1.459,74 tỷ đồng và trên HNX là 9,66 triệu cổ phiếu tương ứng 122,56 tỷ đồng. Với dòng tiền yếu ớt như hiện tại, có thể thấy, đà tăng của chỉ số là rất thiếu bền vững.
Với mức tăng 1.000 đồng, VIC đang là mã có tác động tích cực nhất lên chỉ số chính sáng nay. Mã này mang lại cho VN-Index 0,96 điểm. Bên cạnh đó, VNM, CTG, TCB cũng tăng giá và ảnh hưởng tích cực đến thị trường chung.
YEG sau chuỗi giao dịch kém khả quan trước đó, sáng nay đã hồi phục trở lại với mức tăng 5.400 đồng lên 89.900 đồng. Song chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, EIB, BID lại sụt giá và ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.
Vợ chồng "vua tôm" Lê Văn Quang - Chu Thị Bình
Cổ phiếu MPC của tập đoàn thuỷ sản Minh Phú trong sáng nay có lúc đã đạt mức tăng khá tốt lên 37.900 đồng và phần lớn thời gian giao dịch trên ngưỡng tham chiếu, song đến thời điểm cuối phiên sáng đã lao dốc mạnh và tạm đánh mất 1.600 đồng tương ứng mất 4,43% còn 34.500 đồng/cổ phiếu. Dẫu vậy, mức giá này cũng đã cải thiện so với mức thấp nhất là 34.100 đồng.
MPC giảm giá góp phần khiến diễn biến của UPCoM-Index trở nên tiêu cực. Đây là mã có ảnh hưởng xấu nhất đến chỉ số này trong sáng nay, khiến UPCoM-Index mất 0,22 điểm tương ứng 0,4% còn 54,68 điểm.
Cổ phiếu MPC đã có chuỗi giao dịch rất bất lợi trong suốt nhiều phiên gần đây và sáng nay tiếp tục rớt giá mạnh ngay khi có thông tin Minh Phú bị cáo buộc né thuế chống bán phá giá đối với tôm tại thị trường Mỹ.
Tờ UnderCurrent News trích dẫn một bức thư do đại diện bang Illinois gửi Uỷ viên Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) Kevin McAleean cho biết, có đơn kiện cáo buộc Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước Mỹ và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng Mỹ.
Cụ thể, Minh Phú bị cáo buộc mua một lượng lớn tôm đông lạnh từ Ấn Độ, rồi sau đó “chế biến ở mức tối thiểu” tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam. Nếu đây là sự thật thì CBP phải giải quyết trường hợp tránh chống bán phá giá với tôm Ấn Độ cũng như việc gắn nhãn sai lên hàng hóa.
Bức thư này cho biết, từ năm 2005, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bắt đầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia khác song đến tháng 7/2016 thì Minh Phú được loại khỏi danh sách bị áp thuế. Từ thời điểm đó, Minh Phú không bị buộc phải cung cấp thông tin và dữ liệu về sản xuất cho DOC và không chịu sự kiểm tra hàng năm của các quan chức DOC.
Và theo thông tin tại lá thư này thì Minh Phú sau đó đã tăng cường xuất khẩu sang Mỹ thông qua Mseafood để tận dụng lợi thế không bị áp thuế, trở thành một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất trên thế giới nhờ mối quan hệ trên, còn Ấn Độ thì xuất khẩu tôm mạnh sang Việt Nam.
Tại bức thư này, đại diện bang Illinois đã đề nghị CBP điều tra xem liệu một nhà nhập khẩu của Mỹ và các công ty có liên quan tại Việt Nam có đang tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ hay không.
Một phần bức thư phản ánh việc Minh Phú bị tố cáo tránh thuế chống bán phá giá
Trở lại với thị trường chứng khoán, trước sự phục hồi nhẹ của chỉ số trong khi thanh khoản thị trường giảm sút cả về giá trị và khối lượng giao dịch, VCBS cho rằng, dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự trở lại. Bên cạnh đó, áp lực bán mạnh vẫn xuất hiện vào hôm qua cho thấy quan ngại của nhiều nhà đầu tư về việc phục hồi hôm nay chỉ là bulltrap (bẫy tăng giá).
Với bối cảnh hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, bên cạnh đó tiếp tục cập nhật những diễn biến của VN-Index cũng như chứng khoán thế giới để có thể cơ cấu danh mục một cách hợp lý nhất.
Trong khi đó, theo dự báo của VCSC, trong phiên hôm nay, sự suy yếu của áp lực bán sẽ tạo điều kiện giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật.
Theo đó, VN-Index có thể sẽ có xu hướng kiểm định lại ngưỡng kháng cự tại 957 điểm trong 1-2 phiên tới. Tuy nhiên, cho đến khi VN-Index có thể break-out (đột phá) qua vùng 957-960 điểm với khối lượng giao dịch tốt, nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị vẫn nên duy trì vị thế quan sát với tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp trong danh mục.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí