Số hóa

Huawei đang ở tình cảnh như thế nào sau 6 tháng bị chính phủ Mỹ cấm vận?

Ngày 15/11 tới đây sẽ tròn 6 tháng thời điểm Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”, cấm mọi giao dịch và mua bán với các hãng công nghệ Mỹ. Trong vị thế của một “gã khổng lồ” công nghệ và viễn thông, Huawei đã thay đổi như thế nào sau 6 tháng chịu nhiều áp lực?

Ngày 15/5/2019, chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào “danh sách đen”, cấm thực hiện các giao dịch và mua bán với các hãng công nghệ của Mỹ mà không được phép, với những cáo buộc sản phẩm của Huawei được lợi dụng để thu thập thông tin tình báo và gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Sau lệnh cấm, hàng loạt hãng công nghệ lớn của Mỹ đã ngừng hợp tác với Huawei vì lo ngại sẽ bị chính quyền Washington trừng phạt. Google sau đó còn ngừng cấp phép để Huawei tiếp tục sử dụng các dịch vụ và ứng dụng của mình trên smartphone sử dụng nền tảng Android của hãng.

Vậy tình trạng hiện tại của Huawei như thế nào sau 6 tháng bị chính phủ Mỹ cấm vận và gây nhiều áp lực?

Huawei vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp nhiều áp lực

Trái ngược với những dự đoán Huawei sẽ phải lâm vào tình cảnh khủng hoảng sau khi không thể hợp tác với các hãng công nghệ Mỹ, trên thực tế Huawei vẫn cho thấy mình đang hoạt động hoàn toàn bình thường và thậm chí đạt mức tăng trưởng ổn định.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Huawei đã đạt được doanh thu 610,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 87,3 tỷ USD), tăng 24,4% so với cùng thời gian năm ngoái. Huawei còn dự đoán sẽ đạt được mức doanh thu 100 tỷ USD trong cả năm 2019, cao hơn cả mức dự đoán trước đó của Huawei khi công ty chưa bị chính phủ Mỹ cấm vận.

Đây là mức tăng trưởng ấn tượng cho một công ty từng được dự đoán sẽ phải “chiến đấu để tồn tại” sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”.

Huawei vẫn tăng trưởng ấn tượng sau 6 tháng bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”

Doanh thu của Huawei trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ mảng kinh doanh thiết bị hạ tầng viễn thông, đặc biệt các trạm phát sóng 4G và 5G, dù chính phủ Mỹ đang thúc ép các nước đồng minh ngăn chặn Huawei trong việc triển khai mạng 5G tại quốc gia của họ.

Khoảng một nửa doanh thu của Huawei trong 9 tháng đầu năm thuộc về bộ phận thiết bị tiêu dùng, chủ yếu là smartphone. Trong 9 tháng qua, Huawei đã bán được 185 triệu smartphone trên toàn cầu, giúp Huawei có thể bám đuổi Samsung trong cuộc đua giành “ngôi vương” trên thị trường smartphone.

Ngoài smartphone, Huawei cũng đạt được thành công về mặt doanh số với một số mảng sản phẩm khác như tai nghe không dây FreeBuds 3 hoặc đồng hồ thông minh GT Watch 2.

Sự “bùng nổ” của thị trường Trung Quốc

Một trong những nguyên do giúp Huawei có thể đứng vững trước lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ chính là sự ủng hộ của người dùng trong nước. Nhiều người tiêu dùng ở Trung Quốc hiện xem việc mua sản phẩm của Huawei như một cách để thể hiện lòng yêu nước và ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, doanh số smartphone trong quý III/2019 của Huawei đã tăng đến 66% so với cùng kỳ năm ngoái tính riêng tại thị trường Trung Quốc, giúp Huawei chiếm đến 42% thị phần trong quý III/2019 tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Ở chiều hướng ngược lại, Apple đã đánh mất 2% thị phần trong 3 tháng của quý III/2019 tại Trung Quốc, một động thái cho thấy người dùng Trung Quốc đang chuyển sang ủng hộ Huawei thay vì lựa chọn một sản phẩm đến từ Mỹ như Apple.

Smartphone của Huawei vẫn bán chạy dù không còn được cài đặt các ứng dụng của Google trên các mẫu sản phẩm mới

Việc Google không cấp phép để Huawei tiếp tục sử dụng các dịch vụ và ứng dụng trên smartphone của hãng dường như không ảnh hưởng nhiều đến người dùng tại Trung Quốc, khi mà ngay từ đầu các ứng dụng của Google cũng đã bị cấm sử dụng tại quốc gia này.

Không chỉ thành công ở thị trường Trung Quốc, trong quý III/2019, Huawei cũng đã bán được khoảng 25 triệu smartphone ở thị trường nước ngoài, ngay cả tại những quốc gia mà các dịch vụ của Google trên smartphone là không thể thiếu. Huawei đạt được điều này nhờ thành công của các mẫu smartphone cũ (vẫn có thể cài đặt ứng dụng của Google), cũng như “lách luật” bằng cách ra mắt một số mẫu smartphone mới với tên gọi thương hiệu khác (chẳng hạn sử dụng thương hiệu Honor, một công ty con của Huawei) để có thể tiếp tục cài đặt các ứng dụng và dịch vụ của Google lên đó.

Giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ

Để lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ không ảnh hưởng quá nhiều đến công ty, Huawei đang phải “tự cung tự cấp”. Hiện Huawei đang làm chủ được nhiều công nghệ mà không phải phụ thuộc vào các công ty tại Mỹ, chẳng hạn Huawei đã có thể tự sản xuất chip di động nhờ vào công ty con của mình là HiSilicon, thay vì phải sử dụng chip của Qualcomm trên các mẫu smartphone của mình.

Hiện Huawei cũng đang hợp tác với hãng thiết kế chip ARM (Anh) để có thể tiếp tục sử dụng kiến trúc Arm v9 cao cấp trên các mẫu chip di động dành cho smartphone cao cấp mới của hãng trong năm 2020.

Huawei cũng đã có một kho dự trữ các thành phần, linh kiện cần thiết được mua từ các công ty của Mỹ mà hãng không thể tự sản xuất được trước khi bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”. Điều này giúp Huawei vẫn có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào các đối tác tại Mỹ cho đến khi chính phủ Mỹ xem xét lại lệnh cấm vận nhằm vào công ty.

Cách đây không lâu, nhà sáng lập và CEO Nhậm Chính Phi của Huawei đã tuyên bố “Huawei vẫn có thể sống tốt mà không cần đến Mỹ” và rõ ràng ông Nhậm hoàn toàn có lý do để tự tin vào điều này.

Huawei quá lớn mạnh để có thể bị đánh bại?

Sau gần 6 tháng kể từ thời điểm bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”, trái ngược với những dự đoán ban đầu, Huawei hiện tại vẫn cho thấy sự tăng trưởng ổn định nhờ vào những công nghệ độc quyền, sự ủng hộ của thị trường trong nước và khả năng thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là Huawei có thể đứng vững được bao lâu nếu Mỹ tiếp tục kéo dài lệnh cấm vận với công ty? Các thành phần và linh kiện từ các công ty Mỹ mà Huawei đã dự trữ có thể sử dụng được trong bao lâu? Liệu các công ty của Mỹ có tiếp tục cho phép Huawei nâng cấp các sản phẩm hiện có? Liệu Huawei có thể tiếp tục cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường khi bị chính phủ Mỹ gây áp lực và tạo nhiều khó khăn? Liệu người dùng Trung Quốc có thể tiếp tục ủng hộ Huawei được trong bao lâu?

Đây là những câu hỏi chưa thể có được lời giải đáp đối với tương lai của Huawei, nhưng không phải mọi chuyện đã kết thúc với Huawei mà đã có những “tia sáng cuối đường hầm” với hy vọng chính phủ Mỹ sẽ nới lỏng lệnh cấm vận nhằm vào Huawei. Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết các công ty Mỹ sẽ được cấp giấy phép để có thể giao dịch với Huawei trong “tương lai gần”.

Dù không tiết lộ thời điểm cụ thể, nhưng lời tuyên bố của bộ trưởng Wilbur Ross được xem là một tin vui không chỉ với Huawei mà ngay cả với các hãng công nghệ tại Mỹ, khi hãng công nghệ Trung Quốc là một trong những khách hàng “bạo chi” nhất. Tính riêng trong năm 2018, Huawei đã chi đến 11 tỷ USD để mua các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ từ các hãng công nghệ tại Mỹ.

Với những gì đã và đang diễn ra cho thấy có thể Huawei không phải quá lớn để không bị đánh bại, mà công ty này đủ lớn để có thể tăng trưởng được trong bối cảnh nhiều công ty sẽ lâm vào tình trạng thực sự khủng hoảng nếu gặp tình huống tương tự.

Tác giả: T.Thủy

Nguồn tin: Báo dân trí

  Từ khóa: Huawei

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok