Trong tỉnh

HTX dịch vụ nông nghiệp ăn chặn tiền của người dân

Dù chính sách miễn thuỷ lợi phí cho người dân được thực hiện từ năm 2011 nhưng nhiều năm qua Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) vẫn thu phí của người dân hàng trăm triệu đồng.

Ông Lê Xuân An trao đổi với PV. Ảnh: N.HƯNG

Nhà nước miễn, HTX vẫn thu

Theo đơn phản ánh của người dân xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, Thanh Hoá), chính sách miễn thủy lợi phí của Nhà nước đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng vẫn yêu cầu dân phải đóng góp khoản phí trên. Ông Lê Xuân An (thôn 2, xã Đông Hoàng) cho biết: “Từ trước đến nay người dân không biết về việc nhà nước miễn thuỷ lợi phí nội đồng, phía Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng cũng chưa một lần thông báo cho người dân được biết. Cuối năm 2017, vô tình chúng tôi mới biết là có chính sách này của nhà nước”.

Ông An cho rằng, trong thời gian qua, Hợp tác xã dịch vụ đã thu trái phép số tiền do hàng trăm hộ dân trong xã đóng góp. “Từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã hỗ trợ nông dân Đông Hoàng tiền thủy lợi phí nhưng hàng năm địa phương vẫn lập kế hoạch và bắt chúng tôi phải nộp số tiền làm thủy lợi phí từ 78.000 đồng/sào/năm. Thậm chí, có thời điểm số tiền này còn bị thu lên tới 90.000 đồng/sào/năm”, ông An kể.

Theo ước tính, chỉ riêng ở thôn 2 và thôn 3, số tiền thu sai này đã lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo đó, căn cứ vào hợp đồng kinh tế về việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất hàng vụ, hàng năm, công ty TNHHMTV Sông Chu (Chi nhánh Đông Sơn) nghiệm thu thực tế chi trả cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng khoảng 60 triệu đồng/năm (trong thời gian 7 năm tổng cộng là hơn 420.000.000 đồng). Thế nhưng, phía Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng không chứng minh được số tiền đó đã đầu tư vào công việc gì. Việc không công khai khoản hỗ trợ này để các thôn thu thủy lợi phí trái pháp luật đã khiến cho người dân địa phương hết sức bức xúc.

Ông Lê Như Tuân- Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng khẳng định, việc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cố tình làm sai quy định UBND xã cũng đã có văn bản khiển trách và đồng thời tiến hành họp dân để xin lỗi người dân. Ngoài ra, việc cán bộ không công khai khoản hỗ trợ thủy lợi phí với người dân là cố tình làm trái quy định của pháp luật và chủ trương của nhà nước. UBND xã sẽ xem xét, xử lý nghiêm khắc với những cán bộ cố tình làm sai.

Lập khống diện tích đất để thu tiền nhà nước

Được biết, trong văn bản báo cáo về việc thực hiện phương án tưới tạo nguồn (nước tưới tiêu cho đồng ruộng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng năm 2017) thể hiện, từ năm 2011 đến nay, Hợp tác xã đã thực hiện phương án tưới tạo nguồn với công ty TNHHMTV Sông Chu (chi nhánh Đông Sơn) với tổng diện tích tưới tạo nguồn toàn xã là 50 ha. Trong đó thôn 2 là 9,962 ha, thôn 3 là 10,034 ha. Vậy nhưng, trong văn bản tổng hợp thu chi tại Trạm bơm Thọ Phật thì phần diện tích thu được gửi văn bản lên cấp trên với diện tích tưới tiêu tạo nguồn riêng thôn 2 là 32,04ha và thôn 3 là 30,90ha. So với con số thực tế thì diện tích chênh lệch hơn 42ha. Nếu tính riêng số tiền chênh lệch trong phần diện tích tại thôn 2 và thôn 3 (xã Đông Hoàng) bị lập khống thì mỗi năm nhà nước thất thoát hằng trăm triệu đồng. Theo tố cáo từ ông An, riêng phần diện tích đất nông nghiệp trồng lúa hàng năm chỉ có gần 20 ha phải bơm nước tạo nguồn nhưng từ năm 2011 đến nay Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng vẫn thu của người dân 3,5kg thóc/sào/năm.

Trước câu hỏi: "Số tiền 60 triệu đồng được cấp hàng năm cho trạm bơm Thọ Phật được HTX chi tiêu vào việc gì", ông Lê Bá Phần- Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng nói: “Số tiền đó chúng tôi phục vụ cho hoạt động bơm nước và trả công cho nhân viên hợp tác xã”.

Điều đáng nói, trong văn bản báo cáo chi tiêu hàng năm (từ 2011- 2017) số tiền chi cho hoạt động thuỷ lợi chỉ là 154.000.000 đồng. Vậy số tiền còn lại (khoảng 260 triệu đồng- PV) đã dùng vào việc gì thì ông Phần không giải thích được.

Theo tìm hiểu, các khoản chi cho thủy lợi phí cũng được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng biến hoá với nhiều tên gọi khác. Song có một thực tế không thể phủ nhận đó là hàng năm, cán bộ cơ sở vẫn đều đặn nhận tiền hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước chuyển về nhưng vẫn buộc người dân phải đóng số tiền phí trên. Rõ ràng, trong sự việc này, HTX trên đã có nhiều vi phạm, thiết nghĩ UBND huyện Đông Sơn sớm vào cuộc, xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Giải thích việc thu tiền của dân, ông Lê Bá Phần- Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng nói: “Hồi trước chúng tôi cũng đã có thông báo nhưng người dân không nắm được thông tin nên HTX cứ tiếp tục thu thêm 3,5kg lúa/sào/năm với mỗi hộ gia đình. Sự việc lần này vỡ lỡ ra chúng tôi đã biết mình sai”.

Tác giả: Ngọc Hưng - Hoàng Huy

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok