Kinh tế

Hốt bạc nhờ dịch vụ đưa người say về nhà

Các công ty cung cấp dịch vụ cho thuê tài xế chở người say về nhà ở Trung Quốc phát triển theo cấp số nhân. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện TP Bắc Kinh có trên 500 công ty lớn nhỏ hoạt động trong tình trạng luôn quá tải vào dịp lễ tết, cuối tuần

Theo quy định mới, từ 1/1/2020, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (quy định hiện hành chỉ xử phạt nếu tài xế vượt quá mức này và phạt tiền thấp nhất 1,5 triệu đồng).

Thậm chí, mức phạt còn tăng lên từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức hiện tại là 3,5 triệu đồng), tước giấy phép lái xe gần 2 năm (23 tháng).

Từ 1/1/2020, phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức hiện tại là 3,5 triệu đồng), tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Từ quy định mới này, có nhiều ý kiến cho rằng trong tương lai ngắn sẽ xuất hiện loại hình kinh doanh mới là đưa người say về nhà. Và điều này là có cơ sở khi ở nước ngoài, dịch vụ này đang làm ăn rất tốt.

Dịch vụ đưa người say về nhà hốt bạc như thế nào?

Trong tiếng Hàn, cụm từ "Daeri unjeon" chỉ nghề lái xe thuê, trong đó hầu hết khách hàng là những người say xỉn không thể tự lái xe về nhà sau tiệc đám cưới, cuối năm, liên hoan công ty...

"Daeri unjeon" có giá cao hơn so với taxi song lại tiện lợi khi có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và khách hàng không cần quay trở lại lấy xe vào ngày hôm sau. Theo Hiệp hội dịch vụ tài xế Hàn Quốc, từ năm 2007 đã có hơn 100.000 "Daeri unjeon" phục vụ 700.000 khách hàng mỗi ngày trên cả nước.

Một người hành nghề "Daeri unjeon"

Không chỉ phát triển tại Hàn Quốc, dịch vụ cho thuê tài xế còn nở rộ tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia. Năm 2015, công ty Didi Kuaidi - đối thủ cạnh tranh của Uber tại đất nước tỷ dân - cho ra mắt ứng dụng thuê tài xế Didi Chauffeur. Chỉ cần những thao tác tương tự việc đặt taxi trên các ứng dụng gọi xe, chủ sở hữu xe có thể tìm thấy tài xế đưa mình về nhà trên chính chiếc xe của họ sau những buổi nhậu nhẹt.

Do phải chở khách về trên chính xe ô tô của khách hàng nên phương tiện hành nghề của các tài xế cũng khá đơn giản. Đó chỉ là chiếc xe điện dễ dàng gấp gọn để bỏ vào cốp xe của khách và chiếc điện thoại luôn có sóng để nhận biết khách ở địa điểm gần nhất. Thời gian hoạt động cao điểm các tài xế tất nhiên là khung giờ cao điểm sau các bữa nhậu, từ 9h tối đến 1 - 2h sáng.

Không chỉ được tổ chức bài bản, dịch vụ cho thuê lái xe chở người say về nhà cũng ngày càng ăn nên làm ra vì giá cả dịch vụ không quá cao. Thông thường, giá lái xe thuê chỉ đắt hơn giá cước taxi từ 1,5 - 2 lần. Càng về khuya, giá càng đắt hơn. Chỉ riêng hãng chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê tài xế lớn như eDaijia, 1 năm phục vụ cho trên 250 triệu lượt đặt xe ở khắp Trung Quốc.

Các công ty cung cấp dịch vụ cho thuê tài xế chở người say về nhà phát triển theo cấp số nhân. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện TP Bắc Kinh có trên 500 công ty lớn nhỏ hoạt động trong tình trạng luôn quá tải vào dịp lễ tết, cuối tuần.

Không chỉ là màu hồng

Tuy thu bộn tiền từ dịch vụ này nhưng rất nhiều người vẫn quyết từ bỏ do không chịu được cái nhìn ác cảm từ dư luận. Công việc của họ bị xem là tầm thường và có lúc bị khách hàng đối xử thô lỗ. Thêm vào đó, các tài xế còn phải chấp nhận giờ giấc làm việc khác thường, gây xáo trộn cuộc sống.

Ông Hur Rak (một tài xế người Hàn Quốc hành nghề đưa người say về nhà) chia sẻ: “Con trai tôi có lần bảo tôi đừng cho bạn bè nó biết công việc của mình”.

Dù vậy, theo ông Hur Rak, vấn đề phổ biến nhất là gặp phải những khách hàng không thể phân biệt được phương hướng ngay cả khi ở gần nhà họ. Rồi có một số người không chịu tỉnh dậy, buộc tài xế phải lục ví họ để tìm địa chỉ hay kiểm tra điện thoại di động để biết số điện thoại ở nhà.

Ông Hur bắt đầu “ngày” làm việc của mình tại một nhà sách ở ga điện ngầm Chongno, trung tâm Seoul, nơi ông phải cạnh tranh khách hàng với hơn 10 tài xế khác. Mỗi lần có khách hàng ở khu vực lân cận yêu cầu, tổng đài sẽ gửi thông tin đến thiết bị số không dây cầm tay của họ. Nguyên tắc là người nào nhấp vào “đơn đặt hàng” trước sẽ giành được khách hàng.

Ông Hur nói: “Thắng bại chỉ trong chớp mắt. Vì thế, tôi không lúc nào rời mắt khỏi màn hình nhỏ của thiết bị và điều này khiến mắt tôi ngày càng kém”.

Một số khách hàng yêu cầu ông Hur đưa họ ra ngoài Seoul vào thời điểm không còn phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động, khiến hành trình trở về của ông gặp khó khăn. Nếu may mắn, ông có thể đi nhờ xe trở lại Seoul để tiếp tục công việc. Bằng không, ông thường ở lại qua đêm tại quán cà phê Internet để chờ chuyến xe buýt đầu tiên về Seoul lúc 5h sáng.

Hiện ông kiếm được khoảng 2,2 triệu won mỗi tháng. Sau khi trừ các khoản phí cho tổng đài công ty, dịch vụ truyền dữ liệu không dây, bảo hiểm và phòng trọ, ông có thể gửi khoảng 1 triệu won cho vợ con ở quê.

Ông Hur cho biết: “Cũng như nhiều người khác, tôi chỉ làm nghề này tạm thời cho đến khi tìm được công việc tốt hơn”.

Tác giả: Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok