Vừa kết thúc họp phụ huynh cho con, chị Trần Thu Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) có con học tại Trường tiểu học Đ.T.T (Q.7, TPHCM_ đúc kết buổi họp vô vị, không đọng lại điều gì hay ho ngoài chuyện Ban đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) - mà chị phải nói là “gạ” tiền quỹ một cách thô thiển.
Trong buổi họp, có vài phụ huynh tích cực phát biểu, hô hào về những việc cần phải làm cho con và ngay lập tức họ được giáo viên (GV) “chỉ điểm” vào BĐD CMHS luôn. Thế rồi, không biết kế hoạch hoạt động, chi tiêu cụ thể đến đâu, như thế nào phụ huynh đã nhận ngay một cái “trát” tiền quỹ là 200.000 đồng phụ huynh - tự nguyện hay không chẳng còn ý nghĩa ở đây.
Phụ huynh gánh rất nhiều áp lực về các khoản tiền quy định và "tự nguyện" khi con đi học. (Ảnh minh họa) |
Hơi phản cảm nhưng hầu hết phụ huynh cũng hiểu, ít nhiều BĐD cũng cần có quỹ nên mọi người không phản đối. Thế nhưng, chưa dừng ở đó, đúng lúc khoản quỹ đã êm xuôi, như được chuẩn bị từ trước, cô giáo dạy Anh văn từ ngoài đi vào… Cô đề nghị mỗi phụ huynh góp 30.000 đồng để cô in tài liệu cho học sinh.
Sau khi cô đi ra thì người trong BĐD nói rằng 30.000 đồng lẻ quá, mỗi người đóng luôn 200.000 đồng, còn dư bao nhiêu thì sau này tổ chức cho con đi ăn… gà rán.
“Con chưa ăn gà nhưng nhiều phụ huynh đã ứ nghẹn. Lớp gần 50 em, mỗi em đóng 400.000 đồng để cho mấy thứ lặt vặt hội phụ huynh đề ra, in vài trang tài liệu… thì không thể thuyết phục được ai cả. Nhiều người đi họp về mang một cục tức trong mình”, chị Mai chia sẻ.
Cùng trải nghiệm, chị Lê Ngọc Minh Anh, có con học tiểu học tại một trường Q.5, TPHCM kể buổi họp phụ huynh lãng xẹt không thể tả. GV nói vài ba nội dung, kế hoạch trong năm mà ai cũng đã biết. Sau đó, BĐD CMHS lên đọc những chương trình, bài viết về giáo dục con trẻ không biết lấy từ đâu dài dằng dặc, hàn lâm, lý thuyết… đến hàng chục phút. Rồi còn lồng ghép nói giáo dục chúng ta khó khăn trăm bề, rồi nào là xã hội hóa…
Đến độ, mộ phụ huynh phải đã đứng dậy cắt ngang: “Bây giờ, ý các bác là quỹ cần đóng bao nhiêu tiền thì hãy nói luôn”. Thế rồi, lúc này nội dung được chốt, tiền quỹ phụ huynh lớp bổ đầu người… 200.000 đồng tạm thời, sau này có gì phát sinh thì sẽ thông báo. Số tiền được ấn định rõ ràng, không có sự tự nguyện nào ở đây hết.
Hội phụ huynh quá nặng… chuyện tiền
Chị N.T.T, có con học tại một trường cấp 2 có tiếng ở Q.1, TPHCM cho biết, nhiều trường BĐD CMHS vòng vèo là còn biết ngại biết ngần, chứ chỗ chị “cộp phát một”.
Họp phụ huynh dù là lớp đầu cấp, BĐD được bầu lúc nào không ai hay, vô họp chẳng có nội dung đã ngang nhiên thông báo ngay một loạt các khoản tiền từ quỹ, đóng góp vào cơ sở vật chất… Phụ huynh khỏi phải ý kiến gì, cứ vậy mà đóng tiền hoặc chuyển khoản. Áp lực con học trường có điều kiện rồi thêm BĐD CMHS "hăng hái" đè nặng lên vai nhiều gia đình.
Là người từng gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ đề nghị giải tán hội phụ huynh gây chấn động vào năm học trước, anh Võ Quốc Bình, phụ huynh tại TPHCM cho hay, anh cũng vừa trải qua cuộc họp phụ huynh cho con. Lúc giáo viên đề cập đến các khoản thu, các khoản hỗ trợ cho lớp học, nhà tường và các chi phí hoạt động trong trường. Anh và nhiều phụ huynh thấy hợp lý đều tham gia đóng đầy đủ.
Sau khoản của trường, giáo viên nhắc đến phần bầu BĐD CMHS và được chỉ định rất nhanh chóng các thành phần. Và vừa bầu thì đã vận động này nọ, anh Bình rời phòng họp và nói thẳng với giáo viên, BĐD CMHS quá quan tâm đến chuyện tiền nong, quá nhanh nhảu đều xuất các khoản phí… nên anh đứng ngoài cuộc.
Ông bố được mệnh danh là “phụ huynh quốc dân” này nêu quan điểm, nhà trường cần cái gì thì vận động phụ huynh, anh đã và sẽ ủng hộ trực tiếp cho trường. Nhưng với BĐD CMHS anh nói rõ là “không”, việc thu tiền khoản này, khoản nọ không phải là việc của họ. Với anh, nếu không xóa bỏ BĐD CMHS thì cũng cần phải trả về đúng chức năng hoạt động chứ đừng với tay quá dài. Điều này chính là giúp cho môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh hơn.
Phụ huynh cần quan tâm đến tâm tư của con trẻ trong việc hợp tác với nhà trường, giáo viên cần tập trung cho việc dạy học, dốc sức cho nghề nghiệp, học trò. Mỗi năm, hai chủ thế giáo dục quan trọng này chỉ có hai ba lần họp mặt chính thức nhưng rồi các buổi hợp phần lớn bị át toàn nói chuyện tiền và bạc. Điều này đẩy khoảng cách của họ xa hơn dù rằng dường như trong chuyên tiền bạc, họ đều ở thế bị động...
Trước tình trạng họp phụ huynh “nặc” mùi tiền diễn ra nhiều năm qua, đầu năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT TPHCM đã nhắc nhở, yêu cầu các trường trong buổi họp phụ huynh nhà trường cần đề cập nội dung về chương trình dạy và học của nhà trường, về các chế độ chính sách có liên quan đến học sinh. Ngoài ra, cần tập trung trao đổi và thông tin đến CMHS về các nội dung như: Tăng cường quản lý giờ giấc học tập, vui chơi và sinh hoạt cá nhân của con em; chú trọng đến việc thay đổi tâm sinh lý của con em để có giải pháp giáo dục cho phù hợp. Đối với hoạt động của BĐD CMHS, Sở nhấn mạnh BĐD CMHS không được quy định mức kinh phí ủng hộ cho CMHS, việc đóng góp cho quỹ phụ huynh phải trên cơ sở tự nguyện. Các trường cũng không được thực hiện hoặc đề nghị BĐD CMHS thực hiện các khoản thu khác từ HS, phụ huynh dưới bất kỳ hình thức nào, không được tùy tiện lập các loại quỹ để ép buộc học sinh, CMHS đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện. |
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí