Chính phủ vừa gửi báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Chính phủ, năm 2018, công tác PCTN được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được người dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
29 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra tham nhũng
Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%. Có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện 5 trường hợp vi phạm). Cơ quan chức năng xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.
"Các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện tốt chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên. Năm 2018, 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng", báo cáo nêu rõ.
Chủ trương nghiêm cấm tặng quà cấp trên được thực hiện tốt trong năm 2018. Ảnh minh họa: Hải Long. |
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ tiến hành 37 cuộc thanh tra, kiểm tra; qua kiểm tra và phát hiện 132 trường hợp tuyển dụng không đúng quy định. Trên 900 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn và 79 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đáp ứng đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Báo cáo cũng cho hay có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Phát hiện vi phạm hơn 25.700 tỷ đồng
Chính phủ cho biết công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Qua thanh tra, nhà chức trách phát hiện vi phạm hơn 25.700 tỷ đồng, 41.000 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 8.560 tỷ đồng và trên 390 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 1.460 tập thể và nhiều cá nhân; đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 85 vụ, 87 đối tượng (tăng 2,4% số vụ so với năm 2017); chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài những mặt đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế. Cụ thể, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế.
Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN...
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, "tham nhũng vặt" chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn nhiều hạn chế, yếu kém.
Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ.
Tác giả: Thắng Quang
Nguồn tin: zing.vn